Chính sách vượt bão Covid-19 của doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh nông sản
Nhiều doanh nghiệp kinh doanh, sản xuất nông sản đã tìm ra những phương án để vượt qua khó khăn do đại dịch Covid-19 gây ra, cũng như chuẩn bị sẵn cho giai đoạn “sống chung với lũ”.
Nói về tình hình sản xuất, kinh doanh nông sản dưới tác động của đại dịch Covid-19, ông Nguyễn Văn Thứ, Giám đốc công ty GC Food cho biết, sự đứt gãy của chuỗi cung ứng đã gây ra nhiều thiệt hại nặng nề, khiến doanh thu của GC Food chỉ đạt được 37% so với kế hoạch đề ra.
Cụ thể, nền kinh tế đình trệ và các đợt giãn cách xã hội kéo nhu cầu tiêu dùng trong nước suy giảm nghiêm trọng. Cùng với đó, thị trường xuất khẩu hầu như đóng băng trong thời gian đóng cửa biên giới, dẫn tới việc sụt giảm 50% doanh thu xuất khẩu so với năm 2019.
Bên cạnh đó, nhiều thách thức mới phát sinh như chi phí đầu vào tăng cao, nông sản phá giá khiến doanh nghiệp gặp khó khăn về dòng tiền duy trì hoạt động, trong khi các gói hỗ trợ từ phía chính phủ vẫn còn khó tiếp cận và chưa đem lại hiệu quả cao.
Thị trường ảm đạm, chuỗi cung ứng đứt gãy và áp lực thanh khoản từ phía đối tác cũng là những rủi ro đặt ra đối với doanh nghiệp trồng nấm sinh thái tại Đà Lạt. Tuy nhiên, ông Phạm Ngọc Minh Quân, Giám đốc Công ty cổ phần Đà Lạt Sinh Thái cho biết, Covid-19 cũng mở ra nhiều lợi thế mới đến với ngành nông nghiệp.
Cụ thể, theo ông Quân, cuộc khủng hoảng về sức khỏe dẫn tới nhu cầu thực phẩm dinh dưỡng, tốt cho sức khỏe tăng cao, sản phẩm bản địa với thông tin minh bạch ngày càng được tin dùng.
Cùng với việc nguồn cung nông sản từ nước ngoài đang giảm sút, doanh nghiệp cũng như người nông dân Việt Nam đang đứng trước cơ hội xây dựng chuỗi giá trị thực phẩm bền vững cũng như thương hiệu nông sản sạch, chất lượng cao và có giá trị cao tại thị trường trong nước và quốc tế.
Từ đó, ông Quân đưa ra một số phương án giúp doanh nghiệp nông sản vượt qua khó khăn để phát triển mạnh mẽ trong thời gian tới.
Đầu tiên, xây dựng thương hiệu gắn liền với câu chuyện mang tính gần gũi, dễ dàng tiếp cận với người tiêu dùng trong và ngoài nước.
Thứ hai, thiết lập hệ sinh thái nông sản bền vững từ khâu sản xuất cho tới phân phối, tiêu dùng để nâng cao chất lượng sản phẩm. Về điều này, GS. Vũ Trọng Khái, nguyên Hiệu trưởng Trường Cán bộ quản lý nông nghiệp và phát triển nông thôn II đề xuất doanh nghiệp cần áp dụng tiêu chuẩn thực hành nông nghiệp tốt Việt Nam (VietGAP) như một điều kiện bắt buộc, không chỉ tập trung vào xuất khẩu mà còn đảm bảo chất lượng sản phẩm cho cả thị trường nội địa.
Thứ ba, áp dụng hệ thống truy xuất nguồn gốc cho nông sản để đảm bảo tính minh bạch trong thông tin sản phẩm, tạo ra niềm tin cho người tiêu dùng cũng như mở ra cơ hội xâm nhập vào những thị trường có yêu cầu khắt khe, đặc biệt trong bối cảnh Hiệp định tự do thương mại Việt Nam – EU (EVFTA) đi vào hiệu lực.
Thứ tư, khai thác tiềm năng của các kênh thương mại điện tử, không chỉ là một giải pháp nhất thời mà là xu thế mới, mang tính bền vững và đem lại tiềm năng phát triển cao.
Trong bối cảnh đại dịch vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp trên thế giới và có nguy cơ bùng phát bất cứ lúc nào tại Việt Nam, Chính phủ cần tiếp tục có chính sách hỗ trợ doanh nghiệp để ổn định sản xuất, kinh doanh và vượt qua giai đoạn khó khăn.
Đại diện cho cộng đồng doanh nghiệp cũng như người nông dân sản xuất, kinh doanh nông sản, ông Thứ đề xuất Chính phủ hỗ trợ giảm thuế và tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi để giải quyết khó khăn về dòng tiền trước mắt.
Về dài hạn, các chính sách ưu đãi, khuyến khích về quỹ đất và hỗ trợ đầu tư nghiên cứu phát triển sản phẩm nông sản sạch sẽ đem lại hiệu quả lan tỏa và bền vững.
Đồng quan điểm với ông Thứ, ông Quân cũng đề xuất ban hành các tiêu chí, giải thưởng, chương trình thi đua, tuyên dương doanh nghiệp cũng như các cá nhân có đóng góp cho tiến trình phát triển bền vững ngành nông nghiệp, hoạt động có trách nhiệm với xã hội.
Duy Sơn