Doanh nghiệp ngày càng yêu cầu cao về kỹ năng số ở người lao động

Kết quả khảo sát mới đây của Công ty nhân sự Adecco từ 300 nhà tuyển dụng và 300 nhân viên thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau, cho biết, các lĩnh vực chính được ưu tiên đầu tư hàng đầu trong 3 năm tới là tiếp thị kỹ thuật số (49%), trí tuệ doanh nghiệp (48%), thương mại điện tử (40%) và dữ liệu lớn (30%).

Các doanh nghiệp hy vọng rằng việc đầu tư những lĩnh vực này có thể đáp ứng được nhu cầu của khách hàng, giảm chi phí trong dài hạn và duy trì tính cạnh tranh trên thị trường.

Ngoài các kỹ năng cơ bản, nhiều doanh nghiệp mong muốn nhân viên có kỹ năng lưu trữ và sao lưu dữ liệu trên đám mây trong 3 năm tới. Tiếp theo là sự hiểu biết về an ninh mạng cơ bản và kỹ năng đưa ra quyết định dựa trên cơ sở dữ liệu.

Để thúc đẩy quá trình chuyển đổi số thành công, 1/3 doanh nghiệp cho rằng chiến lược hiệu quả nhất là đào tạo và nâng cao năng lực nhân viên. Các giải pháp khác được đề ra là xác định chiến lược hay lộ trình rõ ràng và thay đổi văn hóa từ cấp quản lý.

Những thách thức còn lại trong quá trình này là doanh nghiệp chưa thể theo kịp tốc độ phát triển công nghệ. Rào cản từ các doanh nghiệp lớn là thiếu hụt ngân sách (chiếm 56%) và bảo mật thông tin (chiếm 47%). Trong khi đó, hơn một nửa số doanh nghiệp quy mô vừa gặp khó khăn trong việc nâng cao kỹ năng cho nhân viên của họ.

Bà Lê Nguyễn Ngọc Thanh, Giám đốc văn phòng TP.HCM, Adecco Việt Nam, cho rằng: “Kỹ thuật số đã trở thành “ngôn ngữ” mới mà người lao động bắt buộc phải thành thạo. Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp mong đợi điều đó nhưng lại không cung cấp cơ hội đào tạo hoặc hỗ trợ đầy đủ.

Các công ty nên có tầm nhìn và lộ trình rõ ràng cho sự phát triển của nhân viên trong kỷ nguyên mới này. Điều này không chỉ giúp xác định sự thành công trong chuyển đổi số mà còn giữ chân những nhân tài có năng lực số tiên tiến”.

Trong khi các doanh nghiệp ở Việt Nam nỗ lực phục hồi sau đại dịch Covid-19, thị trường lao động cũng đang chứng kiến sự chuyển dịch mạnh mẽ sang các nền tảng trực tuyến. Chuyển đổi số trở nên quan trọng hơn bao giờ hết khi các hoạt động hàng ngày trước đây đã trở thành làm việc từ xa, giải trí trực tuyến, thanh toán điện tử và thương mại điện tử…

Về mức độ sẵn sàng trong việc nâng cao kỹ năng số, cuộc khảo sát cho thấy 29% doanh nghiệp vừa và 31% doanh nghiệp nhỏ nhận biết khá rõ về năng lực của từng nhân viên, so với 22% doanh nghiệp lớn. Ngoài ra, tỷ lệ các nhà lãnh đạo trong các doanh nghiệp vừa và nhỏ cam kết thúc đẩy các kỹ năng số nhiều hơn so với các công ty lớn.

Đặc biệt, 1/3 các công ty quy mô vừa thường xuyên đánh giá các kỹ năng số quan trọng, trong khi chỉ có 24% các doanh nghiệp lớn tổ chức các cuộc đánh giá này.

Tuy nhiên, cơ sở hạ tầng kỹ thuật số ở một số doanh nghiệp lớn đang tốt hơn so với các doanh nghiệp vừa và nhỏ. 30% các công ty quy mô lớn đang hợp tác với các công ty công nghệ hàng đầu, và 35% đang cải thiện hiệu suất của nhân viên bằng các công nghệ mới. Trong khi đó, các con số này ở doanh nghiệp nhỏ chỉ là 22% và 27%.

Ông Andree Mangels, Tổng giám đốc Adecco Việt Nam và Malaysia, cho rằng: “Các doanh nghiệp vừa và nhỏ cần có bước đột phát trong quá trình chuyển đổi số để duy trì tính cạnh tranh, và quá trình này đòi hỏi sự tham gia của toàn tổ chức. Phát triển năng lực lãnh đạo, huấn luyện và nâng cao kỹ năng là cách để giải quyết thách thức này.

Còn các doanh nghiệp lớn cần nhiều thời gian để thực hiện việc đào tạo do số lượng nhân viên khá đông. Để đo lường và cải thiện tốt hơn năng lực kỹ thuật số của nhân viên, các doanh nghiệp nên thực hiện đánh giá cho từng bộ phận, đánh giá đầu vào cho nhân viên mới và đặt chỉ tiêu về kỹ năng số cụ thể”.

Trong khi đó, 87% người lao động Việt cho rằng họ đã sẵn sàng cho kỷ nguyên 4.0. 59% người nhận họ có các kĩ năng số cần thiết cho công việc. Thậm chí, 1/4 người lao động xác nhận họ có các kĩ năng số nâng cao.

Adecco nhận xét người lao động Việt Nam rất lạc quan về tác động của tiến bộ công nghệ đối với công việc của họ. 48% tin rằng kỉ nguyên số sẽ mang lại nhiều cơ hội việc làm hơn và 42% nghĩ rằng tự động hóa sẽ giúp giảm bớt một số công việc thủ công. Chỉ 3% người lao động lo lắng robot sẽ lấy đi công việc của họ.

Tuy nhiên, ngoài các kỹ năng cơ bản, 48% doanh nghiệp mong muốn nhân viên có kỹ năng lưu trữ và sao lưu dữ liệu trên đám mây trong 3 năm tới. Tiếp theo là sự hiểu biết về an ninh mạng cơ bản và kỹ năng đưa ra quyết định dựa trên cơ sở dữ liệu.

Bà Nguyễn Thu Hà, Giám đốc văn phòng Hà Nội, Adecco Việt Nam nhận định: “Với việc áp dụng ngày càng nhiều công nghệ tự động hóa, khoảng cách giữa kỹ năng số của người lao động và kỳ vọng của người sử dụng lao động đang gia tăng nhanh chóng. Do đó, người lao động cần phải sẵn sàng đối mặt với một tương lai không chắc chắn và liên tục thay đổi. Sự tò mò và mong muốn học hỏi, tiếp cận với công nghệ mới nhất sẽ giúp nhân viên nhanh chóng thích nghi với việc chuyển đổi số nhanh chóng của doanh nghiệp’’.

Thành Chung