Mỹ tìm cơ hội xuất khẩu nội tạng trắng vào Việt Nam
Điểm khác biệt trong sử dụng thực phẩm có nguồn gốc động vật của người dân Mỹ và Việt Nam chính là người Mỹ không sử dụng nội tạng, ngược lại người Việt lại rất ưa chuộng và hiện Việt Nam đứng thứ 4 thế giới về nhập khẩu nội tạng động vật. Đó là lý do nhiều nông trại tại Mỹ đang tìm kiếm cơ hội để xuất khẩu nội tạng sang Việt Nam
Theo báo cáo của FAOSTAT, xuất nhập khẩu thực phẩm nội tạng trên thế giới có sự gia tăng đáng kể trong giai đoạn 2004 – 2013 với đích đến là các quốc gia khu vực châu Á; trong đó Mỹ, Đức, Úc là những nước đi đầu trong xuất khẩu nội tạng động vật. Điểm danh các nước nhập khẩu nội tạng hàng đầu khu vực châu Á có thể kể đến: Trung Quốc với 2,4 tỷ USD, chiếm 29% – gần 1/3 lượng nhập khẩu nội tạng toàn thế giới; Hồng Kông với 1,39 tỷ USD; Nhật Bản với 823 triệu USD. Đặc biệt Việt Nam cũng góp mặt trong danh sách này ở vị trí thứ 4 với tổng giá trị 396 triệu USD, chiếm 4,9% lượng nhập khẩu nội tạng toàn thế giới.
Không chỉ nội tạng động vật mà người dân ở các quốc gia châu Á cũng rất ưa thích món ăn được chế biến từ các bộ phận khác như thủ heo, tai heo, móng giò, chân gà, lưỡi vịt… Ngoài phương thức ăn trực tiếp thông qua các hình thức chế biến hấp, xào, chiên nướng…; những bộ phận này còn được sử dụng làm nguyên liệu để tạo ra các thực phẩm chế biến hấp dẫn, rất giàu dinh dưỡng như: nem tai, dồi heo, pate,… Trong khi đó tại các nước châu Âu và châu Mỹ, nội tạng lại chỉ sử dụng làm thức ăn cho động vật. Chính vì vậy việc xuất khẩu những sản phẩm này từ phương Tây sang châu Á đều mang lại lợi ích cho cả hai khu vực.
Cụ thể đối với Việt Nam, bên cạnh lợi ích về mặt kinh tế, việc nhập khẩu nội tạng động vật từ châu Âu và châu Mỹ với giá tương đối rẻ sẽ mang đến cho người tiêu dùng trong nước cơ hội được sử dụng nguồn thực phẩm chất lượng, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm thay vì sử dụng nội tạng động vật không rõ nguồn gốc, không đảm bảo chất lượng được tuồn từ Trung Quốc sang.
Ông Craig Morris, Phó Chủ tịch Ủy ban Tiếp thị toàn cầu – Hiệp hội chăn nuôi heo Mỹ cho biết chiến tranh thương mại Mỹ – Trung ngày càng quyết liệt đã khiến các mặt hàng thực phẩm nhập khẩu của Mỹ bị Trung Quốc đánh thuế rất cao buộc Mỹ phải vươn ra tìm kiếm những thị trường mới tiềm năng hơn. Trong chuyến khảo sát thị trường châu Á mới đây, Hiệp hội chăn nuôi heo Hoa Kỳ đã ghé thăm Việt Nam.
Theo thông tin từ ông Craig Morris, hiện tại Mỹ đang xuất khẩu loại nội tạng đỏ (tim, gan, cật) sang Việt Nam với giá trị xuất khẩu đạt khoảng 1 triệu USD (bao gồm thịt vụn xay). Riêng các loại nội tạng trắng (lòng heo, dạ dày) vẫn chưa thể xuất qua Việt Nam do chưa được các cơ quan chức năng cho phép.Trong khi đó nội tạng trắng của Mỹ đã xuất khẩu qua nhiều nước trong khu vực như: Trung Quốc, Singapore, Philippines, Hàn Quốc, Mexico, Malaysia…Chính vì vậy Hiệp hội chăn nuôi heo Hoa Kỳ đang nỗ lực đàm phán và tìm kiếm cơ hội để xuất khẩu thành công nội tạng trắng sang Việt Nam.
Ngoài nội tạng thì mỗi năm Việt Nam nhập khẩu khoảng 11 triệu USD các loại sản phẩm thịt heo từ Mỹ như: thịt giăm bông tươi, thịt giăm bông đông lạnh và thịt vai. Việt Nam là thị trường nhập thịt heo lớn 2 của Mỹ tại Đông Nam Á sau Philippines.
Theo Nguyễn Cường