Cần đa dạng hóa thị trường xuất khẩu rau củ

Thị trường xuất khẩu rau quả của Việt Nam còn nhiều dư địa nhưng do chất lượng hiện chưa được đảm bảo nên giá trị xuất khẩu còn khiêm tốn.

Sau khi giảm nhẹ trong tháng 7/2018, xuất khẩu rau quả tháng 8 đã tăng trở lại ước đạt 343,67 triệu USD, tăng 4,14% so với tháng trước và tăng 16,1% so với cùng kỳ năm ngoái. Luỹ kế 8 tháng đầu năm 2018, xuất khẩu rau quả ước đạt 2,67 tỷ USD, tăng 15,08% so với cùng kỳ năm ngoái. Với đà này, nhiều khả năng xuất khẩu rau quả sẽ cán đích 4 tỷ USD trong năm nay.

Xuất khẩu rau quả còn nhiều dư địa

7 tháng đầu năm nay, Trung Quốc tiếp tục là thị trường nhập khẩu rau quả số 1 của Việt Nam với 1,72 tỷ USD, tăng 12,1% so với cùng kỳ năm 2017. Tuy nhiên, theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, việc Trung Quốc mở rộng diện tích trồng thanh long khiến lượng thanh long của Việt Nam xuất sang Trung Quốc trong thời gian tới có thể sẽ bị chững lại.

Xuất khẩu rau quả gặp khó khăn khi Trung Quốc giảm mua thanh long

Tiếp theo là thị trường Hoa Kỳ với kim ngạch đạt 74 triệu USD, tăng 19,3% so với cùng kỳ năm 2017. Ngoài ra, rau quả của Việt Nam còn xuất khẩu sang một số thị trường khác với tốc độ tăng trưởng rất cao như: Thái Lan, Úc, Pháp, Canada, Đức, Ý, Campuchia, Kuwait.

Theo số liệu thống kê từ Ủy ban Thương mại quốc tế Hoa Kỳ, trong 6 tháng đầu năm 2018, nhập khẩu quả và quả hạt của Hoa Kỳ đạt 6,65 triệu tấn, trị giá 9,76 tỷ USD, tăng 3,3% về lượng và tăng 7,3% về trị giá so với cùng kỳ năm 2017. 

Các thị trường có nguồn cung chính, gồm: Mexico, Costa Rica, Philippines, Guatemala… Đáng chú ý, thị phần nhập khẩu rau quả từ Việt Nam sang Hoa Kỳ tăng từ mức 5,3% trong nửa đầu năm 2017 lên 6,6% trong nửa đầu năm 2018. Mặc dù thị phần nhập khẩu quả và quả hạt của Việt Nam tại Hoa Kỳ được mở rộng, nhưng so với nhu cầu tiêu thụ của thị trường này thì lượng và trị giá nhập khẩu từ Việt Nam vẫn còn nhỏ bé.

Giám đốc Công ty TNHH TM – DV trái cây Thiên Nhiên (Công ty Thiên Nhiên) – ông Nguyễn Du nhận định: “Thị trường xuất khẩu rau quả của Việt Nam còn nhiều dư địa nhưng do chất lượng hiện chưa được đảm bảo nên giá trị xuất khẩu còn khiêm tốn”.

Vấn đề là do Cục Bảo vệ thực vật chưa kiểm soát được dư lượng thuốc bảo vệ thực vật trong rau quả. Muốn làm được điều này cần phải kiểm soát triệt để các loại thuốc bảo vệ thực vật, nhất là những loại nghiêm cấm sử dụng, có như vậy chất lượng và giá trị xuất khẩu rau quả mới được nâng lên cao hơn nữa.

Cần đa dạng hóa thị trường

Vẫn theo ông Du, sở dĩ ngành rau quả chưa quan tâm lắm đến vấn đề dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, là do phần lớn nông dân và doanh nghiệp chỉ chú trọng vào thị trường Trung Quốc. Trên thực tế, mỗi khi thị trường này cần thì không quan tâm đến chất lượng mà chỉ chú trọng số lượng và giá cả. Cho nên, phần lớn người nông dân chạy theo lợi nhuận và sự dễ tính của thị trường Trung Quốc. Nhưng thị trường Trung Quốc lại khá bấp bênh, không đều đặn và ổn định như các thị trường nhập khẩu khác, khi thì mua ồ ạt, khi thì ngưng không mua, nên đã có nhiều doanh nghiệp ví von: “Buôn bán với Trung Quốc như đu trên dây, không biết rơi xuống lúc nào. Chính vì vậy mà nông sản Việt phải thường xuyên giải cứu”. Để đảm bảo chất lượng và sản lượng hàng hóa cho các đơn hàng cung ứng lâu dài cho thị trường Châu Âu, Công ty Thiên nhiên của ông Du vừa có vùng sản xuất riêng vừa xây dựng vùng liên kết với nông dân và tất cả đều đạt tiêu chuẩn Global G.A.P.

Vận chuyển rau quả xuất khẩu qua cửa khẩu Kim Thành Lào Cai.

Theo nhận định của các chuyên gia, rau quả nước ta còn rất nhiều dư địa nhưng làm thế nào để xuất khẩu rau quả phát triển mạnh mẽ và bền vững, nhất là tại Hoa Kỳ và các nước châu Âu vì các thị trường này kiểm tra nghiêm ngặt dư lượng thuốc bảo vệ thực vật có trong rau quả. Để rau quả của Việt Nam có thể xuất khẩu vào nhiều thị trường khác nhau và tránh phụ thuộc quá nhiều vào 1 thị trường, ngành nông nghiệp cần chú trọng đến vấn đề chất lượng và an toàn thực phẩm của rau quả Việt Nam hơn là lợi ích trước mắt.

Minh Đường