Ngành Nông nghiệp và quyết tâm “cán đích” 40 tỷ USD xuất khẩu

Theo Bộ NN&PTNT, kim ngạch xuất khẩu nông lâm thuỷ sản 8 tháng năm 2018 đạt con số ấn tượng với 25,7 tỷ USD, tăng 7,3% so với cùng kỳ năm 2017. Đây là tiền đề để ngành nông nghiệp “cán đích” mục tiêu kỷ lục 40 tỷ USD trong năm 2018… Tuy nhiên các chuyên gia dự báo những tháng còn lại của năm sẽ có nhiều nguy cơ ập đến.

Triển vọng từ các mặt hàng chủ lực

Bộ NN&PTNT cho biết 8 tháng năm 2018, giá trị xuất khẩu chăn nuôi ước đạt 360 triệu USD, tăng 3,1% so với cùng kỳ năm 2017; giá trị xuất khẩu các mặt hàng nông sản chính ước đạt 13,3 tỷ USD, tăng 2,5% so với cùng kỳ năm 2017. Trong số các mặt hàng nông sản thì gạo, rau quả, điều là những mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu tăng cả lượng và giá trị. Cụ thể khối lượng xuất khẩu gạo 8 tháng ước đạt 4,4 triệu tấn và đạt kim ngạch 2,2 tỷ USD, tăng 6,8% về khối lượng và tăng 22,1% về giá trị so với cùng kỳ năm 2017; giá trị xuất khẩu rau quả 8 tháng ước đạt 2,7 tỷ USD, tăng 14,1% so với cùng kỳ năm 2017; xuất khẩu điều nhân 8 tháng ước đạt 238.000 tấn và với kim ngạch 2,2 tỷ USD, tăng 5,8% về lượng và tăng 0,6% về giá trị so với cùng kỳ năm 2017.

Ngoài những nông sản chính trên, hai “ông lớn” trong ngành là thủy sản, đồ gỗ và sản phẩm gỗ cũng có tăng trưởng cao so với cùng kỳ năm ngoái. Cụ thể xuất khẩu thủy sản 8 tháng ước đạt 5,5 tỷ USD, tăng 5,3% so với cùng kỳ năm 2017. Hoa Kỳ, Nhật Bản, Trung Quốc và Hàn Quốc là 4 thị trường xuất khẩu hàng đầu của thủy sản Việt Nam, chiếm 53,8% tổng giá trị xuất khẩu thủy sản.

Riêng xuất khẩu gỗ và sản phẩm từ gỗ đã thu về 5,9 tỷ USD trong 8 tháng (tăng 13,3% so với cùng kỳ năm 2017), đóng góp vào tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước 158,4 tỷ USD, tăng 16,7% so với cùng kỳ. Như vậy 8 tháng năm 2018 Việt Nam đã xuất siêu 4,1 tỷ USD mặt hàng gỗ và sản phẩm từ gỗ, tăng 2,4% so với cùng kỳ năm trước.

Các chuyên gia dự báo cả hai lĩnh vực chủ lực là thủy sản và đồ gỗ sẽ cùng đạt mục tiêu xuất khẩu 9 tỷ USD trong năm 2018 này.

Thách thức bủa vây

Trong nỗ lực tiếp tục duy trì đà tăng trưởng cao vào các tháng cuối năm và đạt tới mục tiêu xuất khẩu 40 tỷ USD, các cơ quan quản lý, chuyên gia kinh tế và cộng đồng doanh nhân đều thống nhất nhận định rằng ngành Nông nghiệp sẽ phải đối mặt nhiều nguy cơ về thiên tai, dịch bệnh; đặc biệt là rủi ro từ thị trường do các cuộc chiến thương mại giữa các “ông lớn” như Mỹ, Trung Quốc, EU. “Khi các nước lớn cạnh tranh khốc liệt với nhau sẽ ảnh hưởng rất lớn đến xuất khẩu nông sản của Việt Nam. Rõ nhất là ngành thịt, khi giữa Mỹ, Trung Quốc, EU có nhiều bất ổn về thương mại. Hiện thịt của Mỹ, Úc dư cung nên việc cạnh tranh trong ngạch thịt của Việt Nam rất thấp”, ông Nguyễn Đỗ Anh Tuấn – Viện trưởng Chính sách&Chiến lược Phát triển nông nghiệp nông thôn  cảnh báo.

Ông Tuấn cho rằng những tháng cuối năm, các mặt hàng rau quả, thủy sản, gỗ, chè, điều, sắn sẽ tiếp tục tăng trưởng tốt. Bên cạnh đó cũng có những mặt hàng rơi vào tình trạng dư cung như: gạo, cà phê; tồn kho nhiều như cao su, tiêu… Để có nguồn thông tin phục vụ chỉ đạo điều hành tốt hơn, cân đối thị trường, cần tổ chức mạng lưới giám sát thường xuyên dữ liệu ở các địa phương, các vùng nguyên liệu, nếu có giá thành thường xuyên sẽ càng tốt.

Liên quan đến thị trường xuất khẩu, Bộ trưởng NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường cho biết hiện xuất khẩu nông sản Việt Nam đứng thứ 2 ASEAN, đứng thứ 18 thế giới. Năm nay mục tiêu xuất khẩu nông sản đạt 40 tỷ USD hoàn toàn nằm trong tầm tay nhưng Việt Nam lại phải đối mặt với nguy cơ thị trường rất lớn; nhất là rủi ro từ các cuộc chiến tranh thương mại cũng như xu hướng bảo hộ mậu dịch mà các nước nhập khẩu đưa ra. “Bộ NN&PTNT đã rà soát và tính toán các kịch bản tăng trưởng để đặt mục tiêu xuất khẩu trên 40 tỷ USD và tăng GDP từ 3,05% trở lên. Bộ cũng giao việc cụ thể cho từng bộ phận, yêu cầu các thứ trưởng phụ trách lĩnh vực và người đứng đầu các đơn vị phải thay đổi tư duy trong chỉ đạo điều hành; đồng thời phải chịu trách nhiệm với ngành được phân công” – ông Cường nhấn mạnh.

Theo Nguyễn Cường