Quốc hội thông qua Nghị quyết về Kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội năm 2021
Với 430/439 đại biểu tán thành (chiếm 89,21% tổng số đại biểu Quốc hội), sáng ngày 11/11/2020 Quốc hội đã chính thức thông qua Nghị quyết về Kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội năm 2021
Theo Nghị quyết, mục tiêu tổng quát đề ra cho năm 2021 là tập trung thực hiện hiệu quả mục tiêu vừa phòng chống dịch bệnh, bảo vệ sức khoẻ nhân dân vừa phục hồi và phát triển kinh tế – xã hội trên cơ sở giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn; thúc đẩy mạnh mẽ cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, tính tự chủ và sức cạnh tranh, phát triển mạnh thị trường trong nước…
12 chỉ tiêu Nghị quyết đề ra bao gồm: phấn đấu tốc độ tăng trưởng kinh tế (GDP) đạt 6%; GDP bình quân đầu người khoảng 3.700 USD/người; tốc độ tăng CPI bình quân 4%; tỷ trọng đóng góp của năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) vào tăng trưởng khoảng 45-47%; tốc độ tăng năng suất lao động xã hội khoảng 4,8%; tỷ lệ lao động qua đào tạo khoảng 66%, trong đó tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ khoảng 25,5%; tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế khoảng 91%; tỷ lệ hộ nghèo (theo chuẩn nghèo đa chiều) giảm 1-1,5 điểm phần trăm; tỷ lệ dân cư khu vực thành thị được cung cấp nước sạch đạt trên 90%; tỷ lệ thu gom và xử lý chất thải rắn sinh hoạt đô thị trên 87%; tỷ lệ khu công nghiệp, chế xuất có hệ thống xử lý nước thải đạt tiêu chuẩn đạt 91%; tỷ lệ che phủ rừng khoảng 42%.
Trước đó, một số đại biểu cho rằng đặt trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 vẫn chưa được kiểm soát thì mục tiêu GDP năm 2021 đạt 6% là khá cao và đề nghị đặt chỉ tiêu trên 5% hoặc từ 5,5-6%. Các đại biểu khác lại cho rằng nếu Chính phủ tập trung thực hiện mục tiêu kép vừa phòng chống dịch bệnh, bảo vệ sức khoẻ nhân dân vừa phục hồi, phát triển kinh tế – xã hội thì tăng trưởng GDP sẽ rất khó đạt mục tiêu 6%. Các ý kiến khác đề nghị các chỉ tiêu không ghi “khoảng” mà nên ghi cụ thể mức “đạt”.
Sau khi trình bày báo cáo tiếp thu ý kiến của đại biểu, ông Vũ Hồng Thanh – Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế khẳng định chỉ tiêu tăng trưởng GDP năm 2021 được xây dựng trên cơ sở kết quả ước thực hiện của năm 2020; đã tính toán, cân đối các nguồn lực; tham khảo dự báo của một số tổ chức quốc tế cũng như nghiên cứu bối cảnh, tình hình của năm 2021. “Việc đặt chỉ tiêu khoảng 6% thể hiện quyết tâm của Chính phủ, trên cơ sở vẫn bảo đảm hài hòa, linh động với các mục tiêu khác” – ông Thanh nhấn mạnh.
Trước đó trong phiên trả lời chất vấn đại biểu hôm 10/11, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cũng nhìn nhận so với tiềm năng của đất nước thì mục tiêu tăng trưởng GDP 6% trong năm 2021 hãy còn khiêm tốn một phần bởi xuất phát từ mức tăng trưởng thấp của năm 2020. “Trong bối cảnh dịch bệnh vẫn còn phức tạp, cùng với những căng thẳng, diễn biến chính trị khó lường, Chính phủ đang chỉ đạo xây dựng các kịch bản tăng trưởng và phương án hành động khác nhau. Dù trong hoàn cảnh nào, chúng ta vẫn sẽ nỗ lực giữ được sự chủ động chiến lược và hoàn thành các mục tiêu kinh tế – xã hội tốt nhất” – người đứng đầu Chính phủ nhấn mạnh.
Linh Lan