Trung Quốc đối mặt với nhiều rào cản dù ai trở thành Tổng thống Mỹ
Theo giới chuyên gia, việc Tổng thống Mỹ Donald Trump gia tăng các rào cản đối với các công ty Trung Quốc đang tìm cách đầu tư hoặc huy động vốn tại nước này sẽ có tác động lâu dài, ngay cả khi ông không đắc cử nhiệm kỳ thứ hai.
Theo dữ liệu của công ty nghiên cứu thị trường Refinitiv, tổng giá trị các thương vụ trong đó công ty Trung Quốc mua lại công ty Mỹ đã giảm xuống còn 1,86 tỷ USD vào năm ngoái. Con số này tương đương một phần rất nhỏ trong số 61 tỷ USD của năm 2016, thời điểm ngay trước khi ông Trump nhậm chức Tổng thống.
Còn theo dữ liệu của công ty nghiên cứu thị trường tư nhân PitchBook, các khoản đầu tư mạo hiểm của Trung Quốc vào Mỹ tính từ đầu năm tới ngày 27/10 vừa qua đạt tổng cộng 6,7 tỷ USD. Khoản đầu tư trên đã từng đạt đỉnh 15,7 tỷ USD vào năm 2016.
Một công ty nghiên cứu độc lập khác là Rhodium Group cũng cho hay, đầu tư trực tiếp nước ngoài từ Trung Quốc vào Mỹ tính tới thời điểm này đã giảm 90%, xuống còn 4,7 tỷ USD so với cùng kỳ năm 2016.
Phần lớn sự sụt giảm trên là kết quả từ các chính sách do Tổng thống Trump ban hành. Chính phủ Mỹ đã ngăn chặn nhiều vụ mua lại của các công ty Trung Quốc, đặc biệt là đối với các công ty công nghệ của Mỹ vì lý do an ninh quốc gia.
Dưới thời Tổng thống Trump, Ủy ban Đầu tư nước ngoài tại Mỹ (CFIUS), cơ quan chịu trách nhiệm điều tra các rủi ro an ninh quốc gia tiềm ẩn trong các giao dịch, đã tỏ lập trường cứng rắn đối với các công ty Trung Quốc.
Các đánh giá của CFIUS đều được giữ bí mật và Ủy ban không cho biết họ chặn bao nhiêu giao dịch mỗi năm. Nhưng trong báo cáo hằng năm của mình trước Quốc hội Mỹ, CFIUS cho biết trong 3 năm đầu nắm quyền của Tổng thống Trump, họ đã xem xét 140 đơn xin đầu tư của các công ty Trung Quốc, nhiều hơn bất kỳ quốc gia nào khác.
Để so sánh, trong 3 năm đầu dưới thời Tổng thống tiền nhiệm Barack Obama, con số trên chỉ là 20 đơn. Bên cạnh đó, số đơn xin cấp phép cho các giao dịch tại Mỹ của các công ty Trung Quốc với CFIUS đã giảm từ 60 đơn trong năm 2017 xuống còn 25 đơn vào năm 2019.
Trong số các giao dịch bị CFIUS chặn dưới thời Tổng thống Trump, đáng chú ý là vụ tập đoàn công nghệ tài chính khổng lồ Ant Group của Trung Quốc muốn mua lại công ty chuyên về chuyển tiền MoneyGram International Inc của Mỹ với giá 1,2 tỷ USD.
Một thương vụ giá trị lớn khác chịu chung số phận là vụ quỹ đầu tư Unic Capital Management có trụ sở tại Trung Quốc muốn chi 580 triệu USD mua lại công ty thiết bị kiểm tra bán dẫn Xcerra Corp của Mỹ.
Hoạt động đầu tư mạo hiểm cũng chịu sự giám sát chặt chẽ hơn. Nhiều quỹ đầu tư của Trung Quốc và một số quỹ được nhà nước hậu thuẫn – những người đã tiến vào Thung lũng Silicon vài năm trước để tìm kiếm các “kỳ lân” (chỉ những công ty khởi nghiệp được định giá từ 1 tỷ USD trở lên) – đều đã rời Mỹ trong vài năm qua. Điều này là do CFIUS đã xem xét kỹ lưỡng hơn các khoản đầu tư mua lại cổ phần thiểu số đáng kể.
Đầu năm nay, Tổng thống Trump cũng lên tiếng về khả năng hủy niêm yết của các công ty Trung Quốc trên sàn chứng khoán Mỹ nếu những công ty này không tuân thủ các tiêu chuẩn kế toán tại đây. Song ông chưa hiện thực hóa lời đe dọa đó.
Tuy nhiên, dù tổng giá trị của các công ty Trung Quốc niêm yết tại thị trường chứng khoán New York đã đạt 2.500 tỷ USD trong năm nay, gần gấp đôi tổng giá trị của 4 năm trước, sàn Nasdaq đã cập nhật các quy tắc của mình để khiến các công ty Trung Quốc khó niêm yết tại đây.
Kết quả là các công ty Trung Quốc chỉ tiến hành 5 đợt phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) với giá trị không vượt quá 25 triệu USD tại thị trường chứng khoán New York trong năm nay, so với 9 đợt của năm ngoái.
Theo giới quan sát, xu hướng này có thể tiếp tục ngay cả khi các vấn đề gây nhiều tranh cãi giữa Trung Quốc và Mỹ, như quan hệ thương mại song phương hay vấn đề Hong Kong (Trung Quốc) “hạ nhiệt”. Điều này là do các nghị sĩ thuộc cả đảng Cộng hòa lẫn Dân chủ đều chia sẻ những lo ngại về khả năng các công ty Trung Quốc lợi dụng ưu thế công nghệ và ảnh hưởng tới nhà đầu tư.
Các chuyên gia chính sách nhận định, sự hoài nghi của Mỹ về sức mạnh kinh tế, tiến bộ công nghệ và tiêu chuẩn kế toán của Trung Quốc đã dẫn đến nhiều rào cản đối với các khoản đầu tư xuyên biên giới. Và những rào cản này vẫn được thực thi ngay cả khi đối thủ đến từ đảng Dân chủ của ông Trump là ông Joe Biden trở thành Tổng thống Mỹ kế tiếp.
Trung Hoài