Doanh nghiệp cảng biển gồng mình “gánh” chi phí lưu kho bãi của container vô chủ
Không chỉ chịu ảnh hưởng bởi sản lượng hàng hóa, doanh thu bị sụt giảm do Covid – 19, các doanh nghiệp cảng biển còn phải gồng mình chi trả phí lưu kho, bãi cho hàng nghìn container hàng hóa phế liệu vô chủ với số tiền không hề nhỏ.
Ông Nguyễn Anh Tuấn – Giám đốc Trung tâm Khai thác cảng biển phía Bắc Công ty CP Gemadept cho biết hiện cảng Nam Hải – Đình Vũ (Hải Phòng) – đơn vị cảng thành viên trực thuộc Gemadept đang là một trong những cảng có số lượng container tồn đọng lớn nhất khu vực phía Bắc. Cụ thể tại cảng Nam Hải – Đình Vũ hiện đang có hơn 1.000 container vô chủ (chủ yếu là mặt hàng lốp xe cũ), chiếm gần 1/3 công suất tại cảng. Không còn cách nào khác, Ban lãnh đạo cảng đành phải gửi tạm số container này tại cảng cạn để giải phóng diện tích kho, bãi phục vụ các container mới. Tuy nhiên chi phí gửi container tại cảng cạn không hề nhỏ, bình quân khoảng 2 tỷ đồng/tháng. Nếu làm phép tính đơn giản, có thể thấy gần 3 năm qua cảng Nam Hải – Đình Vũ đã phải chi trả cho cảng cạn không dưới 60 tỷ đồng chi phí lưu bãi, đó là còn chưa kể đến chi phí vận chuyển từ cảng biển sang cảng cạn.
Trước đó vào khoảng tháng 5/2019, thực hiện chủ trương của Cục Hàng hải Việt Nam, cảng Nam Hải – Đình Vũ đã áp dụng chính sách giảm từ 50 – 70% chi phí lưu kho, bãi cho doanh nghiệp xuất nhập khẩu; đồng thời miễn phí gửi cho những container hàng giá trị thấp như giấy. Tuy nhiên hơn một năm qua, số hàng rút ra chỉ là vài trăm container giấy phế liệu, còn lượng container chứa lốp xe vẫn không giảm mấy. Không chỉ riêng cảng Nam Hải – Đình Vũ mà đây còn là tình trạng chung của hầu hết các cảng biển trên cả nước.
Trước tình hình trên, Cục Hàng hải Việt Nam đã có văn bản kiến nghị các Bộ, ban ngành liên quan sớm hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về quản lý phế liệu nhập khẩu đồng bộ với các yêu cầu bảo vệ môi trường theo Luật Bảo vệ môi trường, Luật Thương mại, Luật Hải quan và Luật Hàng hải. Đồng thời rà soát tổng thể và tổ chức thanh lý các container phế liệu quá hạn, chây ì tại cảng để vừa đảm bảo cho doanh nghiệp có nguyên liệu sản xuất vừa giúp cảng biển giải phóng diện tích kho bãi, nâng hiệu quả khai thác. Đề xuất này nhằm tạo cơ chế quản lý, kiểm soát và phòng ngừa từ xa, ngoài biên giới đối với hoạt động thương mại nhập khẩu phế liệu để các cơ quan quản lý, các doanh nghiệp cảng biển và doanh nghiệp nhập khẩu phế liệu có thể quản lý phế liệu nhập khẩu theo đúng quy định; ràng buộc trách nhiệm và chế tài xử phạt đối với các hãng tàu, người vận chuyển cố tình vi phạm pháp luật trong việc vận chuyển hàng phế liệu nhập khẩu…
Ngoài ra thực hiện chỉ đạo của Bộ Giao thông và Vận tải, Cục Hàng hải cũng đã chỉ đạo các cảng vụ hàng hải tham gia Hội đồng xử lý hàng hóa tại Cục Hải quan các tỉnh, thành phố đẩy nhanh tiến độ phân loại hàng hóa tồn đọng và xử lý hàng hóa tồn đọng sau khi phân loại. Đồng thời, nghiên cứu, đề xuất các biện pháp cưỡng chế, xử lý hoặc dừng việc cấp phép ra vào cảng biển Việt Nam đối với các hãng tàu vận chuyển hàng hóa gây ô nhiễm môi trường. Đối với các hãng tàu, đại lý hãng tàu, Cục Hàng hải yêu cầu kiểm soát chặt giấy phép nhập khẩu tàu biển của lô hàng phế liệu được cơ quan có thẩm quyền cấp trước khi đưa hàng lên tàu tại các cảng xuất khẩu, kiên quyết chỉ đưa xuống tàu để vận chuyển về Việt Nam những đơn hàng có Giấy chứng nhận/Giấy xác nhận đủ điều kiện nhập khẩu phế liệu (còn hiệu lực).
Kim Phương