“Việt Nam đang đi rất đúng hướng trong phát triển ngành kinh tế số…”

Đó là khẳng định của ông Denis Brunetti – Chủ tịch Ericsson Đông Dương và Myanmar trong một cuộc trò chuyện trực tiếp với truyền thông trong nước

Tăng trưởng vượt bậc

Nhận xét về quá trình chuyển đổi số của Việt Nam, ông Denis Brunetti cho biết hiện tại hầu hết mỗi người dân Việt Nam đều có ít nhất một SIM, một số di động có thể kết nối băng thông rộng và việc sử dụng điện thoại thông minh tại Việt Nam cũng đang tăng theo cấp số nhân. Đặc biệt trong thời gian qua, băng thông rộng đã đảm bảo sinh kế cho người dân Việt Nam. Trong giai đoạn đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, người dân vẫn có thể thực hiện giao dịch, làm việc hiệu quả thông qua nền kinh tế kỹ thuật số.

Nền kinh tế số Việt Nam đã ghi nhận những tăng trưởng vượt bậc, từ 3 tỷ USD vào năm 2015 lên đến 9 tỷ USD vào năm 2018, đến nay đạt khoảng 12-13 tỷ USD và dự báo đến năm 2025, nền kinh tế số Việt Nam sẽ đạt 30 tỷ USD. Như vậy là trong 10 năm (2015 – 2025) nền kinh tế số Việt Nam đã tăng gấp 10 lần. “Mục tiêu của Việt Nam là đến năm 2025 sẽ đưa kinh tế số chiếm khoảng 20% GDP và đến năm 2030 sẽ là 30% GDP. Để hiện thực hóa mục tiêu này thì mạng di động 4G hiện nay và 5G trong tương lai sẽ đóng vai trò vô cùng quan trọng” – ông Denis Brunetti nhấn mạnh

Cũng theo người đứng đầu Ericsson Đông Dương và Myanmar, hiện Việt Nam đang đi rất đúng hướng trong phát triển ngành kinh tế số. Cụ thể, Việt Nam có chiến lược và tầm nhìn rõ rằng về việc thu hút vốn FDI. Đặc biệt, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã đặt ra những mục tiêu tập trung thu hút nguồn vốn FDI công nghệ cao. Trước đây, Việt Nam luôn có lợi thế vì chi phí lao động, chi phí sản xuất thấp, giá đất rẻ, giàu tài nguyên thiên nhiên. Tuy nhiên, trong bối cảnh kinh tế hiện nay, nguồn vốn FDI của Việt Nam đang tập trung vào lĩnh vực công nghệ cao. Điều này cho thấy Chính phủ Việt Nam đã có tầm nhìn cũng như chiến lược rất rõ ràng.

Ngoài ra, Nghị quyết số 52-NQ/TƯ của Bộ Chính trị cũng đã đặt ra mục tiêu đến năm 2025, năng suất lao động tăng bình quân trên 7%/năm, Internet băng thông rộng phủ 100% các xã và kinh tế số chiếm khoảng 20% GDP. Đến năm 2030, kinh tế số sẽ chiếm trên 30% GDP của Việt Nam. Những mục tiêu này phần nào thể hiện chiến lược mở rộng hơn của Chính phủ nhằm thúc đẩy chuyển đổi số bền vững và toàn diện trong các ngành công nghiệp trên khắp Việt Nam. Đó là một phần trong Chương trình Chuyển đổi số quốc gia được Chính phủ phê duyệt, tập trung mạnh mẽ vào việc đạt được các mốc quan trọng vào năm 2025

Một điều quan trọng nữa là việc Chính phủ Việt Nam tập trung vào giáo dục và đào tạo. Đặc biệt, giáo dục STEM (khoa học, công nghệ, kỹ thuật và toán học) đã trở thành một trong những trọng tâm mạnh mẽ tại các trường học trên khắp Việt Nam, từ bậc tiểu học, trung học đến bậc đại học. Điều này đảm bảo lực lượng lao động hiện tại và trong tương lai của Việt Nam có đủ các kỹ năng cần thiết trong công việc. Chính phủ Việt Nam cũng đã làm rất tốt vai trò của mình khi vào thời gian này năm ngoái, Việt Nam đã thành lập Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia. Đây chính là một bước đi quan trọng thúc đẩy phát triển và kết nối các startup, xây dựng hệ sinh thái đổi mới sáng tạo bền vững.

Ngoài ra, Việt Nam cũng đã tham gia vào rất nhiều hiệp định thương mại tự do, điển hình là Hiệp định EVFTA và CPTPP. “Với tư cách là cựu đồng Chủ tịch Phòng Thương mại châu Âu, tôi rất vinh dự và tự hào về những gì Việt Nam đạt được từ các cơ hội này. Đặc biệt Hiệp định EVFTA có hiệu lực từ ngày 1/8/2020 sẽ giúp Việt Nam thu hút nhiều đầu tư vào nhiều lĩnh vực hơn, tạo ra nhiều công ăn việc làm hơn. Điều này cũng sẽ thúc đẩy phát triển cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin – truyền thông. Khi Việt Nam tập trung vào việc xây dựng cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin – truyền thông, chuyển đổi số bằng mạng 5G sẽ kéo sự phát triển bền vững của các ngành như năng lượng, giao thông, sản xuất, tài chính, y tế, giáo dục, du lịch…” – Chủ tịch Ericsson Đông Dương và Myanmar nhận định.

Mở rộng đầu tư trên 3 lĩnh vực tiềm năng

Nếu như năm 1993 – thời điểm Ericsson lần đầu tiên vào Việt Nam, tỷ lệ hộ nghèo trên cả nước là 58% và Việt Nam vẫn là một nền kinh tế thuần nông, thu nhập thấp, thì đến năm 2010, đất nước hình chữ S đã vươn lên trở thành nền kinh tế có thu nhập trung bình thấp. “Việt Nam đặt mục tiêu nhanh chóng trở thành nền kinh tế có thu nhập trung bình cao vào năm 2030 – kỷ niệm 100 năm ngày thành lập Đảng. Đến năm 2045 – khi Việt Nam kỷ niệm 100 năm độc lập, Việt Nam sẽ là nền kinh tế phát triển toàn diện và có thu nhập cao. Đó những cơ hội cho Việt Nam “hoá rồng”. Tôi rất tự hào rằng Ericsson đang đóng góp một phần trong hành trình phát triển bền vững của Việt Nam. Trong tương lai, Việt Nam sẽ tiếp tục là điểm đến đầu tư rất hấp dẫn của các doanh nghiệp trên thế giới không chỉ bởi chính trị ổn định, chính sách ưu đãi, cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin – truyền thông tốt mà còn bởi lực lượng lao động chăm chỉ, năng động. Với tôi, trong tất cả những lý do khiến Việt Nam xứng đáng là điểm đến tuyệt vời, yếu tố con người chính là điều khiến đất nước này trở nên siêu đặc biệt” – Chủ tịch Ericsson Đông Dương và Myanmar nhấn mạnh.

Với tâm nguyện gắn bó lâu dài với Việt Nam, trong thời gian tới bên cạnh lĩnh vực chủ lực viễn thông, Ericsson cũng sẽ mở rộng đầu tư vào các cơ sở sản xuất bởi dự kiến đến năm 2025, khoảng 2/3, tức là 67% tổng số nhà máy trên toàn cầu sẽ được đặt ở châu Á. Ông Denis Brunetti nhận xét: “Khi ngày càng có nhiều nhà máy sẵn sàng chuyển dịch sang châu Á thì tiềm năng Việt Nam trở thành trung tâm sản xuất hàng đầu không chỉ trong khu vực mà trên thế giới sẽ càng lớn. Khi ấy sẽ tạo ra làn sóng chuyển đổi số tại các doanh nghiệp trong mọi ngành nghề, lĩnh vực bởi mọi doanh nghiệp đều muốn nâng cao năng suất và hiệu quả hoạt động”.

Ngoài ra Ericsson Việt Nam cũng sẽ đầu tư vào ngành năng lượng, vận tải hàng không (hỗ trợ quá trình chuyển đổi số tại các sân bay) và đường sắt (áp dụng 5G để cải thiện đường hệ thống đường sắt tại Việt Nam)

Minh Anh