Việt Nam có mức giảm lãi suất điều hành sâu nhất so với các nước trong khu vực
Báo cáo kết quả điều hành chính sách tiền tệ 9 tháng đầu năm của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cho thấy từ năm 2016 đến nay, các mức lãi suất điều hành trong nước giảm bình quân từ 2-2,5%/năm. Nếu so với các quốc gia khác trong khu vực (Philippines giảm 1,75%; Thái Lan giảm 0,75%; Malaysia giảm 1,25%; Indonesia giảm 1%; Ấn Độ giảm 1,15, Trung Quốc giảm 0,3%), có thể thấy Việt Nam là một trong số nước có mức giảm lãi suất điều hành sâu nhất.
Theo ghi nhận của các chuyên gia kinh tế, có được mặt bằng lãi suất tốt như hiện nay chủ yếu nhờ Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã điều hành linh hoạt công cụ chính sách tiền tệ để kiểm soát lạm phát ở mức thấp, tạo điều kiện để giảm mặt bằng lãi suất. Riêng trong 9 tháng năm 2020, Ngân hàng Nhà nước đã 3 lần giảm đồng bộ các mức lãi suất với quy mô cắt giảm tương đối mạnh.
Lãi suất điều hành giảm là cơ sở kéo mặt bằng lãi suất cho vay giảm theo. Ở thời điểm hiện tại, lãi suất cho vay tối đa đối với các lĩnh vực ưu tiên tại Việt Nam ở mức 4,5%/năm, giảm khoảng 2,5%/năm so với năm 2016. Trong khi đó lãi suất cho vay bình quân của ASEAN-6 khoảng 5,7%/năm, ASEAN-4 khoảng 4,82% (theo báo cáo của Quỹ Tiền tệ quốc tế). Nếu làm phép so sánh, có thể thấy lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa đối với các lĩnh vực ưu tiên của Việt Nam thấp hơn cả mức lãi suất cho vay bình quân của ASEAN-4. Còn nếu so với các nước có trình độ phát triển tương đồng như Indonesia (9,41%), Mông Cổ (16,92%), Bangladesh (7,79%), Myanmar (14,5%) và Ấn Độ (9,05%), lãi suất cho vay ngắn hạn của Việt Nam vẫn thấp hơn.
Có thể thấy số liệu của Quỹ Tiền tệ quốc tế mới chỉ thống kê đến tháng 7/2020. Và với tình hình dịch bệnh Covid-19 đang được kiểm soát tốt, tăng trưởng tín dụng trong nước thấp, tiền dồi dào trong hệ thống thì mức lãi suất này tại Việt Nam sẽ còn thấp hơn nữa. Không chỉ đưa ra mức lãi suất tốt, các ngân hàng lớn, nhỏ trong nước cũng đã bắt đầu tung chương trình cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ vay kinh doanh mới mức lãi suất dưới 6,5%/năm để giảm bớt gánh nặng chi phí. Đơn cử, Vietcombank áp dụng mức lãi suất cho vay kinh doanh đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ chỉ từ 5,9%/năm; khách hàng là cá nhân vay vốn kinh doanh, mức lãi suất cho vay sẽ chỉ từ 6,5%/năm.
Kết quả điều tra từ Vụ Dự báo Thống kê – Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cho thấy mặt bằng lãi suất huy động-cho vay trong quý IV/2020 được kỳ vọng tiếp tục giảm. Bình quân kỳ vọng chung toàn hệ thống, mặt bằng lãi suất thị trường được kỳ vọng giảm 0,1 điểm phần trăm trong quý cuối năm.
Hùng Trần