Chủ động di dời, sơ tán khẩn cấp người dân ở hạ lưu hồ, đập gần vùng lũ
Chủ động tổ chức di dời, sơ tán khẩn cấp người dân ở hạ lưu hồ, đập, khu vực thấp trũng, ven sông có nguy cơ cao xảy ra ngập lụt đến nơi an toàn; chỉ cho người dân quay về khi đã an toàn. Đảm bảo lương thực, an ninh, trật tự nơi sơ tán.
Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai, Ủy ban Quốc gia ứng phó sự cố thiên tai và tìm kiếm cứu nạn vừa ban hành Công điện hỏa tốc số 32/CĐ-TW chỉ đạo các bộ ngành địa phương triển khai ngay các biện pháp ứng phó mưa lũ.
Công điện gửi: Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn, các chủ hồ trên lưu vực sông tại các tỉnh, thành phố Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Kon Tum.
Ban Chỉ huy Phòng chống tiên tai và Tìm kiếm cứu nạn các Bộ: Tài nguyên và Môi trường, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công Thương, Quốc phòng, Công an, Thông tin và Truyền thông, Giao thông vận tải; Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam, Thông tấn xã Việt Nam và các cơ quan thông tấn, báo chí.
Theo bản tin của Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn Quốc gia, mực nước các sông đang lên nhanh, các hồ chứa đang xả lũ; mực nước sông Trà Khúc, Vệ, Đăkbla có khả năng lên mức trên báo động 3 từ 1-2m; sông Vu Gia tại Ái Nghĩa lên trên BĐ3: 2,2m (vượt mức lịch sử năm 2009: 0,4m).
Để chủ động ứng phó, giảm thiệt hại về tính mạng và tài sản của người dân, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai – Ủy ban Quốc gia ứng phó sự cố, thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn yêu cầu các Bộ ngành, địa phương và các chủ hồ chứa tập trung triển khai ngay các nhiệm vụ sau:
Thứ nhất, theo dõi chặt chẽ diễn biến lũ. Thông tin kịp thời đến người dân khu vực có nguy cơ ngập lụt để chủ động phòng, tránh.
Thứ hai, chủ động tổ chức di dời, sơ tán khẩn cấp người dân ở hạ lưu hồ, đập, khu vực thấp trũng, ven sông có nguy cơ cao xảy ra ngập lụt đến nơi an toàn; chỉ cho người dân quay về khi đã an toàn. Đảm bảo lương thực, an ninh, trật tự nơi sơ tán.
Thứ ba, bố trí lực lượng kiểm soát, hướng dẫn giao thông, nhất là qua các ngầm, tràn, khu vực ngập sâu, nước chảy xiết.
Thứ tư, thông báo cho các chủ đầu tư có công trình đang xây dựng ven sông; các chủ phương tiện vận tải thuỷ, khai thác khoáng sản biết thông tin về mưa, lũ để chủ động có biện pháp bảo đảm an toàn cho người, phương tiện, thiết bị và công trình.
Thứ năm, thường trực, vận hành hồ đập theo đúng quy trình, đảm bảo an toàn công trình và hạ du.
Thứ sáu, triển khai phương án phòng chống lũ, đảm bảo an toàn theo cấp báo động; duy trì lực lượng, phương tiện cứu hộ, cứu nạn để sẵn sàng ứng cứu khi có yêu cầu.
Thứ bảy, tổ chức trực ban nghiêm túc, thường xuyên báo cáo về Ban Chỉ đạo Trung ương phòng chống thiên tai và Ủy ban Quốc gia Ứng phó sự cố thiên tai và tìm kiếm cứu nạn.
Thùy Linh