Mặt bằng bán lẻ được kỳ vọng tăng trưởng trong cuối năm
Báo cáo mới đây nhất của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) cho thấy, tốc độ tăng trưởng kinh tế của Việt Nam đứng đầu khu vực Đông Nam Á với GDP dự báo đạt 1,8% trong năm 2020. Triển vọng tăng trưởng kinh tế tích cực, tiêu dùng nội địa tăng, nền kinh tế được hưởng lợi từ các hiệp định thương mại tự do (FTA) đặc biệt là EVFTA sẽ góp phần tạo động lực thúc đẩy mặt bằng bán lẻ, lấy lại đà tăng trong những tháng cuối năm 2020 sau thời gian dài khó khăn do dịch bệnh.
Theo bà Võ Thị Khánh Trang – Trưởng bộ phận Nghiên cứu thị trường Savills – cho biết, do bị ảnh hưởng của dịch bệnh nên khách thuê thuộc ngành hàng thực phẩm đồ uống, thời trang đã có sự thay đổi rõ rệt về diện tích thuê do trả mặt bằng hoặc do giảm bớt diện tích thuê để cắt giảm chi phí. Số liệu từ Cục Thống kê TP. Hồ Chí Minh cho thấy, doanh thu dịch vụ ăn uống trong 9 tháng/2020 đã giảm -39% so với cùng kỳ năm trước.
Bên cạnh đó, sự bùng nổ của thương mại điện tử tiếp tục ảnh hưởng tiêu cực đến doanh thu của bán lẻ truyền thống. Đánh giá gần đây của Công ty Nghiên cứu thị trường Nielsen cho thấy, 64% người tiêu dùng sẽ tiếp tục sử dụng dịch vụ giao hàng trong khi 63% sẽ gia tăng mua hàng trực tuyến.
Về nguồn cung mặt bằng bán lẻ, tại TP. Hồ Chí Minh cũng không có dự án bán lẻ nào mới tính đến cuối quý 3/2020, tổng nguồn cung hiện đạt khoảng 1 triệu m2. Trước ảnh hưởng của dịch bệnh, tỷ lệ trống mặt bằng bán lẻ trung bình của các TTTM tại TP. Hồ Chí Minh vẫn cao hơn năm trước do các thương hiệu bán lẻ, chủ yếu là thời trang và ăn uống trong nước trả lại mặt bằng. Tuy nhiên, trong thời gian gần đây một số diện tích trống đã được lấp đầy trở lại. Các dự án có vị trí tốt, chất lượng cũng như quản lý tốt nhanh chóng tìm được khách thuê mới. Một số thương hiệu mới xuất hiện, mở rộng tại khu vực trung tâm như Hugo Boss, Sandro, Watson, Giordanno… cũng đã nhanh chóng hiện diện ở những vị trị mặt bằng bán lẻ đẹp.
Trong những tháng cuối năm 2020, thị trường mặt bằng bán lẻ dự kiến có thêm hơn 50.000m2 từ 7 dự án mới, trong đó khu vực ngoài trung tâm chiếm hơn 80% thị phần. Các thương hiệu nước ngoài sau một thời gian yên ắng có dấu hiệu quay trở lại tìm hiểu về thị trường Việt Nam.
Theo bà Phạm Ngọc Thiên Thanh – Phó Giám đốc Bộ phận nghiên cứu và tư vấn CBRE Việt Nam – đánh giá, ngành hàng thời trang và phụ kiện sang trọng cũng đang tìm các mặt bằng bán lẻ tại hai thành phố lớn là TP. Hồ Chí Minh và Hà Nội vì dịch bệnh tuy có tác động tiêu cực mạnh mẽ lên nền kinh tế lại không gây quá nhiều ảnh hưởng đến dân số thượng lưu tại Việt Nam. Như vậy, trong thời gian sắp tới, thị trường có thể sẽ đón nhận nhiều thêm các thương hiệu sang trọng gia nhập vào thị trường nhắm vào dân số trẻ, trung lưu. Hầu hết các thương hiệu mới này tập trung vào mảng mua sắm mang tính trải nghiệm, thời trang thể thao, sức khỏe và sắc đẹp, tức là những ngành hàng đang tích cực mở rộng trong vài năm trở lại đây.
Bên cạnh đó, để lấy lại đà tăng trưởng nhanh hơn, các TTTM hay chuỗi siêu thị bán lẻ nhanh chóng thực hiện một chiến lược phát triển phù hợp. Cụ thể trên thị trường còn có nhiều các mô hình bán lẻ đang hoạt động tốt như Takashimaya, Robins. Các công ty này đang có các bước cải tiến về hình thức, mô hình và cách thức hợp tác với các khách thuê khác nhau để phù hợp với thị trường. Các DN cũng nhanh chóng có phương án kiểm soát dòng tiền và các chiến lược kinh doanh, marketing, bán hàng phù hợp như việc tăng cường kinh doanh online, giảm giá… Riêng các thương hiệu thời trang, do đặc thù thị hiếu nên vẫn phải cân bằng giữa các kênh trực tuyến và ngoại tuyến để tối đa hóa lợi nhuận, trong đó kênh bán hàng tại chỗ vẫn đang chiếm ưu thế. Chính điều này là cơ hội dành cho các TTTM và siêu thị bán lẻ có thể tồn tại và dần lấy lại đà phát triển sau những ảnh hưởng suy giảm do dịch bệnh.
Duy Sơn