Xuất khẩu thuỷ sản có thể đạt 8,4 tỷ USD trong năm 2020

Theo đánh giá của VASEP, do tác động của dịch COVID-19, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam trong 6 tháng đầu năm 2020 giảm mạnh. Tuy nhiên, sang quý III xuất khẩu đã phục hồi và tăng nhẹ 2% so với cùng kỳ năm ngoái, đạt gần 2,4 tỷ USD. Riêng trong tháng 9, kim ngạch xuất khẩu đạt 790 triệu USD, tăng 9% so với cùng kỳ năm ngoái.

Tôm là một trong những mặt hàng tăng trưởng tích cực trong thời gian qua.

Với những triển vọng tích cực vào những tháng cuối năm, Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) Trương Đình Hòe kỳ vọng, năm 2020 xuất khẩu thủy sản có thể cán mốc 8,4 tỷ USD.

Về thị trường xuất khẩu, trong 9 tháng, thủy sản Việt Nam có mặt tại 154 thị trường. Trong đó, 6 thị trường lớn nhất gồm Nhật Bản, Mỹ, Trung Quốc, EU, Hàn Quốc và ASEAN chiếm gần 80% kim ngạch xuất khẩu. Thị trường Mỹ tăng 6% so với cùng kỳ năm 2019 nhờ lượng tôm xuất sang thị trường này tăng. Trung Quốc đã vượt qua EU trở thành thị trường nhập khẩu thủy sản lớn thứ 3 của Việt Nam trong 9 tháng năm 2020. Sau khi giảm mạnh trong 2 tháng đầu năm, xuất khẩu thủy sản sang Trung Quốc bắt đầu ổn định và hồi phục dần. Lũy kế 9 tháng qua, xuất khẩu thủy sản sang Trung Quốc tăng 2%.

Các thị trường lớn khác là Nhật Bản, Hàn Quốc từ đầu năm đến tháng 9 vừa qua đều giảm nhẹ kim ngạch.

Nhận định về diễn biến thị trường trong thời gian qua, ông Trương Đình Hòe cho biết, 9 tháng năm 2020, xuất khẩu thủy sản đạt trên 6 tỷ USD, riêng mặt hàng tôm tăng trưởng 10,5% so với năm ngoái và đạt mức 2,7 tỷ USD, cá tra hơn 1 tỷ USD. Đây là tín hiệu khá tích cực trong tình hình các DN đang phải đối phó với tình hình dịch COVID-19 với nhiều khó khăn về thị trường.

Mặc dù gặp nhiều khó khăn do dịch bệnh, nhưng do các DN thủy sản, đặc biệt là từ phía người nuôi đã làm tốt việc nắm bắt tình hình, nên nguồn nguyên liệu không bị thiếu hụt, đáp ứng được yêu cầu thị trường, trong khi nhiều quốc gia khác không đủ khả năng cung ứng cho thị trường.

Tổng Thư ký VASEP cho biết, giá trị xuất khẩu thủy sản của Việt Nam phục hồi và tăng trưởng tốt. Mặc dù sức mua của thị trường không tăng, thậm chí giảm nhiều, nhưng do nguồn cung trên thị trường giảm nên giá cả cũng nhích lên. Đồng thời, DN Việt tập trung chuyển hướng xuất khẩu cho hệ thống bán lẻ, phục vụ nhu cầu thiết yếu người tiêu dùng, nên kết quả xuất khẩu trong 9 tháng qua có những triển vọng khả quan.

Ngoài ra, EVFTA cũng tạo ra luồng gió mới, tạo tâm lý tích cực. Tính từ đầu tháng 8 đến hết tháng 9, xuất khẩu thủy sản sang thị trường EU và Anh đạt khoảng 263 triệu USD, tăng 17,1% so với cùng kỳ 2 tháng năm trước.

Đối với thị trường Mỹ, vấn đề hiện nay là cần làm tốt truy suất nguồn gốc, Chương trình giám sát nhập khẩu thủy sản (SIMP), cũng như các chứng nhận quốc tế để tiếp tục tiếp cận, mở rộng thị trường này.

Đối với thị trường châu Âu, hiện đơn hàng ổn định từ nay tới sang năm, tuy nhiên các DN cần củng cố, làm tốt, đáp ứng được các tiêu chuẩn hàng hóa theo tiêu chuẩn ASC để có thể tận dụng được các ưu đãi mà EVFTA mang lại.

Với những triển vọng tích cực nói trên, Tổng Thư ký VASEP kỳ vọng năm 2020 xuất khẩu thủy sản có thể cán mốc 8,4 tỷ USD. Trong đó mặt hàng tôm có thể tăng 10%, đạt khoảng 3,8 tỷ USD.

Ông Hòe cũng cho rằng, để tận dụng được các cơ hội từ thị trường, sang năm 2021 các DN thủy sản cần tiếp tục lưu ý đến sản xuất, đặc biệt cân đối lại lượng nuôi trực tiếp, cũng như thu mua bên ngoài, nhằm đảm bảo các tiêu chuẩn chất lượng trên cơ sở đáp ứng các đơn hàng dài hạn cũng như các đơn hàng mới để có thể ổn định xuất khẩu.

DN cũng cần mở rộng mặt hàng, đa dạng hóa sản phẩm cho phù hợp với xu hướng tiêu dung. Với những mặt hàng trước kia khi xuất khẩu vào châu Âu thuế cao, trong thời gian tới thuế giảm về 0%, DN phải có chuẩn bị sẵn sàng để tận dụng lợi thế.

Duy Yên