Hàng Việt lấy sự khác biệt chinh phục người tiêu dùng xứ Chùa Vàng

Nằm ngay trong khu vực ASEAN, Thái Lan là thị trường xuất khẩu lớn đầy tiềm năng đối với doanh nghiệp Việt Nam. Để thâm nhập thành công thị trường này, nhiều doanh nghiệp chọn hướng đi bằng thị trường ngách, cung ứng những sản phẩm có tính độc đáo, có bản sắc riêng, tránh đối đầu trực diện với những sản phẩm vốn là thế mạnh của nước chủ nhà.

Nằm trong danh sách những doanh nghiệp Việt tham gia sự kiện “Tuần hàng và du lịch Việt Nam tại Thái Lan 2018” ở Trung tâm Thương mại Central World Plaza (Bangkok), Giám đốc Công ty Hải Bình Gia Lai – ông Nguyễn Huỳnh Phú Lâm hồ hởi cho biết chỉ trong vòng 3 giờ đồng hồ, gian hàng hạt điều của Hải Bình Gia Lai đã bay vèo nhanh chóng 150 kg chứng tỏ người tiêu dùng Thái Lan rất thích thú với mặt hàng này.

Phổ biến ở Thái Lan là món hạt điều đã qua chế biến, chiên dầu rồi tẩm đường, gia vị. Trong khi đó hạt điều của Hải Bình Gia Lai được làm theo cách truyền thống, để nguyên rồi rang muối nên giữ trọn vẹn vị thơm, béo của hạt điều tự nhiên khiến người tiêu dùng rất ưa thích. “Thái Lan là xứ sở thực phẩm nhưng lại mạnh về hoa quả chế biến, còn ngành hạt thì không phong phú bằng Việt Nam; chưa nói đến cách chế biến khác biệt cũng là điểm cộng. Chính vì vậy tôi quyết định xuất khẩu hạt điều vào thị trường này” – ông Lâm lý giải.

Nếu Hải Bình Gia Lai chọn hạt điều thì với Công ty Vifon, phở gà ăn liền chính là “con át chủ bài” để tiến vào đất Thái. Ông Ngô Võ Minh Hưng – Trưởng phòng Xuất khẩu Công ty Vifon cho biết trước đây Vifon hầu như chỉ tập trung phát triển mỳ ăn liền nhưng doanh nghiệp Thái rất mạnh về dòng sản phẩm này nên Vifon quyết định chọn mặt hàng phở gà để tránh phải đối đầu trực diện. Phở là mặt hàng Vifon mới đẩy mạnh phát triển vài năm gần đây nhưng đã thu nhận được những thành công rất đáng khích lệ, đặc biệt là dòng sản phẩm phở ăn liền có thịt; chinh phục thành công thị trường hàng chục quốc gia trên thế giới như Hàn Quốc, Malaysia…

Còn với Trung Nguyên International, sau 9 tháng hoàn tất các thủ tục cần thiết, 3 container cà phê hoà tan King Coffee đầu tiên đã cập bến Thái Lan để phục vụ người tiêu dùng Thái Lan thông qua hệ thống Central Group và chuỗi FamilyMart. Năm nay Trung Nguyên International mạnh dạn đặt mục tiêu 1 triệu USD doanh thu từ xứ sở Chùa Vàng. “Trong khi người tiêu dùng tại thị trường các nước đã phát triển thích uống cà phê bột nguyên chất hoặc cà phê nguyên hạt thì người tiêu dùng Thái Lan, cũng giống như các nước đang phát triển khác, chủ yếu chuộng cà phê hòa tan. Đó chính là lý do chúng tôi chọn King Coffee  để tiến công vào đất Thái”, ông Tsang Chun Keung Peter – Phó chủ tịch phụ trách thị trường khu vực châu Á – Thái Bình Dương của Trung Nguyên International cho hay.

“Tuần hàng Việt Nam” là chương trình được Bộ Công Thương khởi xướng từ năm 2011; tuy nhiên sự kiện mới chỉ được tổ chức ở Thái Lan trong 3 năm trở lại đây. Năm nay “Tuần hàng và du lịch Việt Nam tại Thái Lan 2018” có bước tiến đáng kể so với sự kiện năm trước đó với  60 doanh nghiệp tham gia (năm 2017 chỉ có 43 doanh nghiệp) và có thêm mảng mới là du lịch. Không chỉ dần tự tin hơn vì tìm ra những ngách mà thị trường Thái đang thiếu, các doanh nghiệp có sản phẩm phải cạnh tranh trực diện như nước mắm Thanh Quốc, trái cây sấy Thuận Thiên Thành, Vinamit… cũng chọn khẩu vị chế biến khác biệt để ‘có cửa’ chinh phục.

Ông Đỗ Thắng Hải – Thứ trưởng Bộ Công Thương cho biết Thái Lan là đối tác quan trọng hàng đầu của Việt Nam ở khu vực châu Á. Năm 2017, kim ngạch thương mại song phương Việt Nam – Thái Lan đạt 15,3 tỷ USD; 7 tháng đầu năm 2018 đạt 9,5 tỷ USD, tăng gần 14,2% so với cùng kỳ năm 2017. Giai đoạn 2015-2017 tốc độ tăng trưởng thương mại bình quân đạt khoảng 15,5%/năm. “Đây là thành quả hết sức ấn tượng nhưng về tính con số tuyệt đối thì Việt Nam vẫn nhập siêu với Thái Lan. Chính vì vậy việc xúc tiến thương mại và giới thiệu hàng Việt qua đường chính ngạch cũng như đưa vào các hệ thống bán lẻ lớn của Thái Lan giữa vai trò rất quan trọng” – ông Hải khẳng định.

Victor Thai