Doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu cá ngừ sang thị trường Châu Âu ngày càng tăng

Sáng 10/10, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) phối hợp với UBND tỉnh Khánh Hòa tổ chức hội nghị thúc đẩy sản xuất cá ngừ theo chuỗi, chống khai thác IUU (khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định) và xuất khẩu cá ngừ vào thị trường châu Âu theo hiệp định EVFTA.

Các chuyên gia cho rằng Chính phủ và cơ quan quản lý ngành thủy sản Việt Nam đang làm tốt việc thúc đẩy sản xuất cá ngừ theo chuỗi và chống khai thác IUU.

Theo đại diện Bộ NN&PTNT, sau 2 tháng EVFTA có hiệu lực và được thực thi (từ 1/8/2020), nhiều mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường EU đã có chuyển biến tích cực. Trong đó, trong tháng 8, giá trị xuất khẩu cá ngừ đã tăng lên 11,4 triệu USD (tăng 8,6%), tháng 9 đạt 11,9 triệu USD (tăng 13,3% so với các tháng trước đó).

“Có thể thấy hiệp định EVFTA có hiệu lực đã mang đến triển vọng cho xuất khẩu cá ngừ Việt Nam sang thị trường EU những tháng cuối năm. Đồng thời tạo đà vững chắc cho xuất khẩu thủy sản trong tương lai”, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến nói.

Tuy nhiên, ông Tiến cũng lưu ý để đảm bảo tính bền vững, các địa phương cần tiếp tục hướng dẫn ngư dân, doanh nghiệp khai thác theo các cam kết quốc tế và chống khai thác IUU, tuân thủ nghiêm ngặt các quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm, sở hữu trí tuệ.

Còn Bà Nguyễn Thị Thu Sắc, Phó Chủ tịch Hiệp hội Thủy sản Việt Nam, cho biết sau cá tra và tôm thì cá ngừ được xem là thế mạnh của Việt Nam khi thâm nhập vào thị trường châu Âu.

“Sắp tới, khi xuất khẩu vào châu Âu, thuế suất sẽ giảm dần về 0%. Đây được coi là lợi thế cực lớn và cũng là thách thức cho ngành thủy sản nước ta. Lợi thế thì ai cũng thấy, nhưng thách thức chính là chúng ta phải tuân thủ những quy định nghiêm ngặt của thị trường EU. Nếu làm tốt chắc chắn xuất khẩu thủy sản Việt Nam không thua kém quốc gia nào”, Bà Sắc phân tích.

Đồng quan điểm, ông Ruben Saornll Minguez, đại diện Phòng Thương mại và Công nghiệp Tây Ban Nha, thành viên Phòng Thương mại châu Âu tại Việt Nam, cho biết thị trường EU quy định rất nghiêm ngặt về chất lượng thủy sản nhập khẩu.

“Việt Nam là nước đứng thứ 3 thế giới về xuất khẩu thủy sản. Còn thị trường EU là thị trường tiêu thụ hải sản rất mạnh, trung bình 22 kg/người/năm, do vậy chúng tôi rất coi trọng mặt hàng thủy sản của Việt Nam”, ông Ruben Saornll Minguez nói.

Đại diện Phòng thương mại châu Âu tại Việt Nam cũng nhấn mạnh lợi thế của Việt Nam trong giai đoạn này đang là các mặt hàng về tôm, cá tra và cá ngừ. Nếu Việt Nam thực hiện đầy đủ những quy định về IUU, truy xuất hàng hóa và vệ sinh an toàn thực phẩm, cộng thêm miễn giảm thuế thì chắc chắn sức mạnh về xuất khẩu sẽ càng được củng cố.

Hiệp định EVFTA có hiệu lực từ ngày 1/8/2020. Đối với ngành thủy sản, việc xóa bỏ thuế quan trong EVFTA tạo ra cơ hội lớn cho xuất khẩu thủy sản. Cụ thể, EU sẽ xóa bỏ thuế quan đối với 86,5% kim ngạch xuất khẩu thủy sản của Việt Nam trong 3 năm; 90,3% trong vòng 5 năm và 100% trong vòng 7 năm. Đối với cá ngừ đóng hộp, EU dành cho Việt Nam hạn ngạch thuế quan 11.500 tấn/năm.

Duy Sơn