Hướng tới quan hệ thương mại Việt Nam – Hoa Kỳ hài hòa, bền vững

Sau 25 năm thiết lập quan hệ ngoại giao (1995-2020), hợp tác Việt Nam-Hoa Kỳ đã phát triển mạnh mẽ và sâu sắc trên tất cả các lĩnh vực, nhất là lĩnh vực thương mại. Những năm qua Hoa Kỳ luôn giữ vững vị thế là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam, ngược lại Việt Nam cũng là một trong những thị trường xuất khẩu có mức tăng trưởng cao nhất của Hoa Kỳ.

Kể từ khi Hiệp định thương mại Việt Nam – Hoa Kỳ (BTA) có hiệu lực năm 2000 đến nay, kim ngạch xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và Hoa Kỳ liên tục tăng trưởng ở mức cao. Nếu như năm 2000, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Hoa Kỳ chỉ vào khoảng 730 triệu USD thì đến năm 2019, con số này đã tăng lên 75 tỷ USD. Đặc điểm quan trọng trong quan hệ kinh tế, thương mại song phương Việt Nam-Hoa Kỳ là tính hỗ trợ, bổ sung cho nhau. Cụ thể, Hoa Kỳ có nhu cầu nhập khẩu lớn các sản phẩm nông nghiệp đặc trưng hoặc sản phẩm mà Việt Nam có thế mạnh như: dệt may, da giày, đồ gỗ, máy móc thiết bị điện tử…Ở chiều ngược lại, Việt Nam có nhu cầu nhập khẩu các loại máy móc, thiết bị công nghệ cao, thiết bị hàng không, viễn thông và nông sản nguyên liệu là những mặt hàng mà Hoa Kỳ có nguồn cung dồi dào.

Đặc biệt với việc Hiệp định BTA được ký kết và có hiệu lực, cơ cấu hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam đã có sự thay đổi đáng kể. Nếu như trước đây, Việt Nam chủ yếu xuất khẩu sang Hoa Kỳ các mặt hàng dệt may, da giày thì ở thời điểm hiện tại, danh mục các nhóm hàng xuất khẩu quan trọng đã có thêm sự góp mặt của nhóm hàng nông-thủy-hải sản. Riêng năm 2019 vừa qua, kim ngạch 5 nhóm hàng xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam sang thị trường Hoa Kỳ đã có sự tăng trưởng ấn lượng; cụ thể dệt may tăng 24%, giày dép tăng 11%, điện thoại – linh kiện tăng 15%, máy tính – sản phẩm điện tử tăng 10%, đồ gỗ tăng 9%.

Ông Bùi Huy Sơn – Tham tán Công sứ Thương mại, Trưởng Cơ quan Thương vụ Việt Nam tại Hoa Kỳ cho biết do Hoa Kỳ là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam nên các mặt hàng xuất khẩu chủ lực của nước ta đều hiện diện tại thị trường khổng lồ này với số lượng lớn, chủng loại hàng hóa đa dạng. Với chất lượng vượt trội, tính thẩm mỹ – tiện ích cao nên các sản phẩm của Việt Nam được người tiêu dùng Hoa Kỳ đặc biệt ưa chuộng; có thể kể đến các mặt hàng dệt may, da giày, đồ gỗ nội thất, thủy hải sản, nông sản…. Theo thời gian, cơ cấu hàng hóa xuất khẩu của hai nước cũng đã có sự thay đổi theo hướng tăng dần nhóm hàng chế biến chế tạo, từng bước nâng cao giá trị gia tăng. Theo thống kê, hiện Việt Nam có tới 10 nhóm hàng xuất khẩu vào Hoa Kỳ có giá trị trên 1 tỷ USD, nổi bật như: dệt may (14,8 tỷ USD), điện thoại và linh kiện (8,8 tỷ USD), giày dép (6,6 tỷ USD), đồ gỗ (5,3 tỷ USD)…

Theo nhận định của các chuyên gia, Việt Nam – Hoa Kỳ còn nhiều tiềm năng hợp tác toàn diện và đang thúc đẩy thương mại song phương theo hướng cân bằng hơn để đảm bảo sự phát triển bền vững của cả hai quốc gia. Thời gian tới, bên cạnh việc tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp thúc đẩy xuất khẩu sang Hoa Kỳ, Bộ Công Thương đã và đang tích cực chỉ đạo triển khai Kế hoạch Hành động hướng tới quan hệ thương mại Việt Nam-Hoa Kỳ hài hòa, bền vững. Cùng với việc nâng cao giá trị xuất khẩu, Việt Nam sẽ nhập khẩu nhiều hơn từ Hoa Kỳ, nhất là các nhóm hàng Hoa Kỳ có thế mạnh như năng lượng, nông sản, dược phẩm, máy móc, thiết bị phục vụ sản xuất và đời sống người dân.

Ông Nguyễn Hồng Dương – Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường châu Âu – châu Hoa Kỳ (Bộ Công Thương) cho biết về dài hạn, do thay đổi chính sách và dòng chảy thương mại của thế giới và Hoa Kỳ với các đối tác quan hệ song phương, Hoa Kỳ mong muốn điều chỉnh cán cân hài hòa, bền vững. Bộ Công Thương, với vai trò Chủ tịch phân ban Việt Nam trong Hội đồng Thương mại và Đầu tư Việt Nam – Hoa Kỳ (TIFA) đã thực hiện chương trình làm việc, thúc đẩy quan hệ thương mại giữa hai nước; tháo gỡ các vướng mắc của doanh nghiệp Hoa Kỳ trong hoạt động kinh doanh với Việt Nam, thúc đẩy các dự án đầu tư vào Việt Nam, nhập khẩu nguyên vật liệu, qua đó cân bằng cán cân thương mại hơn.

Minh Anh