Nợ của Mỹ hiện được dự đoán sẽ lớn hơn cả nền kinh tế nước này
Khi Mỹ tiếp tục vật lộn với cuộc suy thoái kinh tế do đại dịch gây ra và sự phục hồi đáng kinh ngạc, thì những khoản nợ đang chồng chất của đất nước không phải là mối quan tâm hàng đầu của bất kỳ ai trong những ngày này.
Ngay cả những người theo quan điểm diều hâu đối với vấn đề thâm hụt ngân sách cũng đang thúc giục Washington và Nhà Trắng thông qua một đợt kích thích cần thiết khác lên tới hàng nghìn tỷ USD.
Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Jerome Powell cho biết: “Ngân sách liên bang của Mỹ đang đi trên một con đường không bền vững trong thời gian qua nhưng đây không phải là lúc để ưu tiên cho những mối quan tâm đó”.
Tuy nhiên, khi đất nước cuối cùng thoát khỏi cuộc khủng hoảng kinh tế và y tế hiện tại, người Mỹ sẽ bị bỏ lại với một khoản nợ lớn.
Hôm thứ Năm, Văn phòng Ngân sách Quốc hội (CBO) ước tính rằng trong năm tài chính 2020, kết thúc vào ngày 30 tháng 9, thâm hụt của Mỹ đạt 3,13 nghìn tỷ USD – hay 15,2% GDP – do khoảng cách chi tiêu (6,55 nghìn tỷ USD) và những gì họ thu về (3,42 nghìn tỷ USD) trong năm qua.
Mức thâm hụt ước tính năm 2020 cao hơn gấp ba lần mức thâm hụt hàng năm vào năm 2019. Và đây là mức cao nhất kể từ sau Thế chiến II.
Lý do cho sự tăng vọt so với năm trước rất đơn giản: Bắt đầu từ mùa xuân này, chính phủ liên bang đã chi hơn 4 nghìn tỷ USD để giúp giảm bớt nỗi đau kinh tế cho người lao động và doanh nghiệp do đóng cửa kinh doanh đột ngột và trên diện rộng. Và hầu hết mọi người đều đồng ý rằng sẽ cần phải chi nhiều tiền hơn cho đến khi Nhà Trắng kiểm soát được cuộc khủng hoảng COVID-19.
Bộ Tài chính sẽ không đưa ra con số cuối cùng cho năm tài chính 2020 cho đến cuối tháng này. Nhưng nếu ước tính của CBO là đúng, tổng số nợ của đất nước đối với các nhà đầu tư – về cơ bản là tổng thâm hụt hàng năm đã tích lũy trong nhiều năm – sẽ vượt quá quy mô của nền kinh tế, lên tới gần 102% GDP, theo tính toán của Ủy ban Ngân sách Liên bang Có trách nhiệm.
Chi tiêu dự kiến sẽ tiếp tục tăng và vượt xa doanh thu. Và chỉ riêng việc trả lãi cho khoản nợ – ngay cả khi lãi suất vẫn ở mức thấp – sẽ tiêu tốn một phần tiền thuế ngày càng tăng.
Với những rủi ro về sự gián đoạn trong tương lai, như một đại dịch, gánh nặng nợ nần đang vượt quá tốc độ tăng trưởng kinh tế khiến đất nước có nguy cơ cao hơn về một cuộc khủng hoảng tài chính, do đó sẽ đòi hỏi phải cắt giảm mạnh các dịch vụ và lợi ích mà người Mỹ dựa vào.
Giám đốc CBO, Phillip Swagel, cho biết: “Không có thời điểm ấn định mà tại đó một cuộc khủng hoảng tài khóa có thể xảy ra hoặc sắp xảy ra, cũng như không có điểm xác định tại đó chi phí lãi suất tính theo tỷ lệ phần trăm GDP trở nên không bền vững. Nhưng khi nợ càng lớn, rủi ro càng lớn”.
Ngọc Đỉnh