World Bank kêu gọi Trung Quốc giảm nợ cho các nước nghèo

Phát biểu tại một sự kiện trực tuyến do Trường Quản lý và Tài chính Frankfurt tổ chức, Chủ tịch Ngân hàng Thế giới (WB) David Malpass cho rằng, Trung Quốc phải chịu trách nhiệm về tình trạng nợ nần ở một số quốc gia, đồng thời cáo buộc Bắc Kinh không tham gia đầy đủ vào Sáng kiến hoãn nợ (DSSI) của G20.

Kenya đang nợ đầm đìa vì vay vốn của chính phủ Trung Quốc xây đường sắt.

Chủ tịch David Malpass nhận định, hiện tượng hàng loạt quốc gia châu Phi và một số nền kinh tế mới nổi chìm sâu trong nợ nần là hậu quả của việc nhiều ngân hàng chính phủ tăng trưởng mạnh, đặc biệt là các nhà băng Trung Quốc với nguồn vốn dồi dào. Các tổ chức này cho vay ồ ạt nhưng không tham gia vào các tiến trình tái cơ cấu nợ vốn được triển khai để làm dịu gánh nợ cũ ở các nước nghèo.

Tháng 4 vừa qua, các nước G20 khởi động DSSI để hỗ trợ 73 quốc gia thu nhập thấp, chủ yếu ở khu vực châu Phi và một số tại châu Á đang gặp lao đao vì đại dịch Covid-19. Ngoài ra, có 43 quốc gia đã nhận được khoảng 5 tỷ USD từ DSSI để ứng phó với đại dịch trong các lĩnh vực xã hội, y tế và kinh tế. Nhóm G7 đã ủng hộ việc mở rộng Sáng kiến này.

Tuy vậy, ông Malpass cho biết, còn rất nhiều chủ nợ – đặc biệt là Trung Quốc – không tham gia vào Sáng kiến này, khiến tác động của việc giãn nợ quá thấp không thể xóa nhòa sự bất bình đẳng tài chính giữa các quốc gia; nhấn mạnh sự cấp thiết “phải hành động để xóa các khoản nợ lớn cho những quốc gia đang gặp khó khăn về tài chính”.

Trung Quốc là chủ nợ lớn nhất của hầu hết nền kinh tế mới nổi trên thế giới. Khoảng 70% tổng nợ của các quốc gia nghèo tham gia vào sáng kiến DSSI từ tháng 5 đến tháng 12 là tiền vay từ Trung Quốc.

Các nước G7 chỉ trích việc Trung Quốc phân loại vốn vay của các tổ chức tài chính lớn thuộc sở hữu nhà nước, do chính phủ kiểm soát là vốn vay thương mại, không phải vốn vay song phương chính thức. Chủ tịch WB cho rằng, Ngân hàng Phát triển Trung Quốc (CDB) cần tham gia DSSI với tư cách là một cơ quan cung cấp vốn vay song phương chính thức nhằm nâng cao hiệu quả của Sáng kiến này.

Đồng thời, cần công khai những thông tin tái cơ cấu nợ để tránh tình trạng giãn nợ bí mật đang được tiến hành ở một số nước, ví dụ như Angola và Lào. Trước đó, có tin Trung Quốc đã đồng ý hoãn nợ trong 3 năm đối với Angola, bao gồm các khoản vay thương mại từ Ngân hàng Trung Quốc và CDB.

Tuy nhiên, Trung Quốc lập luận rằng, các khoản vay từ CDB là các khoản vay thương mại, thực hiện theo các điều kiện thương mại, không phải vốn vay ưu đãi; cho biết đã nhận được hơn 20 yêu cầu tái cơ cấu nợ và đạt được thỏa thuận với hơn 10 quốc gia. Bắc Kinh cũng thúc đẩy việc đưa WB vào DSSI, một động thái cho đến nay vẫn bị các thành viên khác của WB và Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) phản đối.

Thống đốc Ngân hàng Trung ương Trung Quốc Dịch Cương tuyên bố, IMF nên ban hành Quyền rút vốn đặc biệt mới và phân bổ cho các quốc gia bị ảnh hưởng bởi Covid-19 thông qua các chương trình tài trợ hiện có.

Thái Bình