Hoạt động của các nhà máy Nhật Bản sụt giảm kỷ lục trong 17 tháng
Một cuộc khảo sát khu vực tư nhân cho thấy hoạt động nhà máy của Nhật Bản đã ghi nhận chuỗi giảm kỷ lục dài nhất vào tháng 9, nêu bật những khó khăn mà các nhà hoạch định chính sách phải đối mặt để đưa nền kinh tế bị tàn phá bởi COVID-19 trên con đường phục hồi vững chắc.
Cuộc khủng hoảng COVID-19 đã gây ra một thiệt hại lớn cho lĩnh vực sản xuất ở nền kinh tế lớn thứ ba thế giới, với sản lượng và xuất khẩu gặp khó khăn trong bối cảnh nhu cầu toàn cầu mong manh.
Chỉ số Quản lý thu mua (PMI) của Ngân hàng Jibun Nhật Bản đã tăng lên 47,7 vào tháng 9 từ mức 47,2 của tháng trước và kết quả sơ bộ là 47,3.
Chỉ số dưới ngưỡng 50,0 biểu hiện sự sụt giảm trong tháng thứ 17, tính từ tháng 6 năm 2009 để đánh dấu chuỗi giảm dài nhất kỷ lục.
Cuộc khảo sát cho thấy sản lượng, đơn đặt hàng mới và công việc tồn đọng đã giảm trở lại, mặc dù với tốc độ khiêm tốn hơn, cho thấy có thể mất nhiều thời gian để nền kinh tế Nhật Bản phục hồi hoàn toàn sau tác động lớn của cuộc khủng hoảng COVID-19.
Tuy nhiên, cuộc khảo sát PMI cũng cung cấp bằng chứng đáng khích lệ về việc khu vực sản xuất đang tiến một bước gần hơn đến mức bình ổn trong tháng 9.
Tim Moore, giám đốc kinh tế tại IHS Markit, cho biết: “Các điều kiện kinh doanh chưa được phục hồi vẫn tồn tại trong lĩnh vực sản xuất của Nhật Bản vào tháng 9, nhưng đã có những dấu hiệu cho thấy sự suy thoái đã mất dần cường độ. Một số nhà sản xuất lưu ý rằng sự thay đổi doanh số xuất khẩu cho khách hàng ở những nơi khác ở châu Á đã giúp bù đắp một số điểm yếu về nhu cầu trên khắp châu Âu và Mỹ”.
Cuộc khảo sát đã thúc đẩy hy vọng về sự phục hồi trong dài hạn của khối lượng sản xuất, với kỳ vọng tăng trưởng cho năm tới tăng lên mức cao nhất kể từ tháng 5 năm 2018.
Nền kinh tế Nhật Bản chịu sự suy giảm tồi tệ nhất sau chiến tranh trong quý thứ hai do cuộc khủng hoảng y tế giáng một đòn nặng nề vào thương mại quốc tế, đồng thời làm tê liệt hoạt động kinh doanh và tiêu dùng trong nước.
Ngọc Đỉnh