Không để bùng phát làn sóng thứ 3 dịch Covid-19
Ngày 24/9, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã ký ban hành Công điện 1300/CĐ-TTg về việc phòng, chống dịch COVID-19. Công điện thể hiện sự chỉ đạo kịp thời và nghiêm khắc cần thiết của Chính phủ yêu cầu tất cả các cơ quan, đơn vị chức năng và người dân cả nước quán triệt tinh thần không thể lơ là mà cần tiếp tục nâng cao cảnh giác, gia tăng sự chủ động phòng tránh, kiên quyết không để xảy ra nguy cơ bùng phát làn sóng thứ 3 dịch COVID-19 ở nước ta.
Từ đầu năm đến nay, diễn biến dịch COVID-19 ở Việt Nam chia làm 2 làn sóng: Làn sóng thứ nhất kể từ khi Việt Nam tuyên bố có dịch (1/4/2020) cho đến khi các địa phương cơ bản thực hiện tháo gỡ lệnh giãn cách xã hội với thành tích cả nước chỉ có vài trăm ca bệnh, trong đó có một nửa là người bệnh nhập cảnh và đặc biệt là không để xảy ra trường hợp tử vong nào. Làn sóng thứ 2 bùng phát nhanh, khá bất ngờ, với tâm dịch là TP. Đà Nẵng (ngày 25/7) và chúng ta cũng đã kịp thời ngăn chặn, dù số bệnh nhân tăng nhanh lên hơn 1.000 người và đã có hơn 30 người tử vong, chủ yếu là các bệnh nhân có bệnh nền nặng và người cao tuổi.
Hiện nay, Việt Nam đã cơ bản kiểm soát được dịch bệnh, với 25 ngày liên tiếp không phát hiện ca mắc mới trong cộng đồng. Cả nước đã tăng cường triển khai các giải pháp thực hiện mục tiêu kép, đạt kết quả bước đầu quan trọng, góp phần ổn định và phát triển kinh tế-xã hội. Thành công của Việt Nam được thế giới ghi nhận và đánh giá cao, đồng thời, đây là điều kiện để Việt Nam có thể duy trì động lực tăng trưởng kinh tế dương và giảm bớt áp lực an sinh xã hội, bảo vệ xức khỏe và tính mạng người dân trong bối cảnh cả thế giới đã có hơn 30 triệu người mắc bệnh, với hơn một triệu người tử vong và kinh tế toàn cầu có thể suy thoái, với mức tăng trưởng âm từ 5-8% GDP và thiệt hại hàng chục nghìn tỷ USD trong năm 2020.
Trước mắt, với Việt Nam, nguy cơ dịch bệnh vẫn thường trực, nhất là từ người nhập cảnh nhưng không chấp hành nghiêm quy định về cách ly, giám sát y tế; từ người nhập cảnh trái phép; nguồn bệnh từ các đợt dịch trước nhưng chưa được phát hiện và có thể cả từ hàng hóa nhập khẩu…
Đáng quan ngại là tại một số nơi, ngay cả trong một số cơ quan Nhà nước, đã bắt đầu xuất hiện tâm lý chủ quan, thực hiện không đúng, không đầy đủ các biện pháp phòng, chống dịch. Đặc biệt, nhiều hoạt động tụ tập đông người, nhưng thiếu các biện pháp phòng dịch cần thiết, đang có xu hướng phổ biến mà chưa được cơ quan chức năng nhắc nhở, chấn chỉnh kịp thời…
Bởi vậy, để duy trì vững chắc thành quả phòng, chống dịch, tạo cơ sở thúc đẩy các hoạt động phục hồi, phát triển nền kinh tế, bảo vệ sức khỏe nhân dân, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tiếp tục đề cao cảnh giác, tuyệt đối không lơ là, chủ quan trước nguy cơ dịch bệnh; tổ chức thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch theo đúng chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19.
Đặc biệt, Công điện xác định rõ các trách nhiệm của từng cơ quan chức năng và cả người đứng đầu trong tổ chức thực hiện các giải pháp cụ thể về hướng dẫn, triển khai và kiểm tra công tác phòng dịch trong phạm vi quản lý, xử lý nghiêm minh trường hợp vi phạm, như: Đeo khẩu trang khi ra khỏi nhà, tại các địa điểm và trên phương tiện giao thông công cộng; rửa tay thường xuyên bằng xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn; hạn chế tụ tập đông người tại nơi công cộng; giữ khoảng cách an toàn khi tiếp xúc; tăng cường kiểm tra, chấn chỉnh, bảo đảm thực hiện đầy đủ, nghiêm túc biện pháp phòng, chống dịch, đặc biệt là tại các đô thị lớn, địa bàn tập trung đông dân cư, các khu vực thường xuyên tập trung đông người, trường học, khu công nghiệp, chợ, siêu thị, cơ sở cách ly, các cơ sở y tế; tổ chức xét nghiệm ngay đối tượng có biểu hiện ho, sốt trong cộng đồng; thực hiện biện pháp bảo đảm an toàn cho người cao tuổi, người có bệnh lý nền.
Đồng thời, các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, UBND các tỉnh, thành phố phải chủ động chuẩn bị các kịch bản, bảo đảm cơ sở vật chất, nhân lực đáp ứng yêu cầu phòng, chống dịch; thường xuyên tổ chức diễn tập, tập huấn các biện pháp ứng phó với các tình huống dịch bệnh có thể xảy ra.
Từng cơ quan, đơn vị, tổ chức phải có phương án cụ thể và thường xuyên rà soát, kiểm tra, đánh giá mức độ an toàn phòng, chống dịch theo các tiêu chí do Bộ Y tế quy định; trong đó cần rà soát, bổ sung các tiêu chí đánh giá an toàn đối với từng khoa, phòng và cơ sở y tế; tăng cường đăng ký khám bệnh qua mạng; siết chặt thực hiện phân luồng người đi lại giữa các khoa trong nội bộ cơ sở y tế; có phương án xét nghiệm, kết nối giữa các bệnh viện trong việc tiếp nhận, xét nghiệm, giới thiệu xét nghiệm người bệnh khi có biểu hiện mắc COVID-19; hết sức chú trọng bảo đảm an toàn cho bệnh nhân nặng điều trị tại cơ sở y tế.
Người đứng đầu cơ quan, đơn vị chịu trách nhiệm về phòng, chống dịch tại cơ quan, đơn vị và trong phạm vi quản lý. Trường hợp xuất hiện dịch bệnh, cần tập trung chỉ đạo thực hiện các biện pháp khoanh vùng gọn, cách ly triệt để, xét nghiệm ngay ở phạm vi cần thiết, kịp thời truy vết nhanh, bảo đảm ngăn chặn, kiên quyết không để dịch lây lan trên diện rộng.
Ngoài ra, cần tiếp tục rà soát, hoàn thiện các quy định, hướng dẫn về phòng, chống dịch trong các hoạt động kinh tế – xã hội; bảo đảm rõ quy trình, thủ tục, trách nhiệm của từng cơ quan, đơn vị, người có thẩm quyền trong thực hiện phòng, chống dịch, nhất là đối với các cơ sở y tế và quản lý người nhập cảnh khi mở lại các đường bay thương mại quốc tế; tiếp tục kiểm soát chặt chẽ, ngăn chặn kịp thời và xử lý nghiêm các trường hợp nhập cảnh trái phép; tiếp tục quản lý chặt chẽ các cơ sở cách ly tập trung; giám sát y tế chặt chẽ trường hợp nhập cảnh, không để dịch bệnh lây chéo trong cơ sở cách ly và lây lan ra cộng đồng.
Cần nhấn mạnh rằng nguy cơ bùng phát dịch tới đây rất lớn, nhất là từ nguồn khách và hàng nhập cảnh, vì vậy cần thực hiện nghiêm chỉ đạo của Thủ tướng được nêu rõ trong Công điện là: “Việc mở lại các đường bay thương mại quốc tế phải bảo đảm an toàn… Tất cả người nhập cảnh đều phải khai báo y tế, xét nghiệm, cách ly, giám sát y tế phù hợp và thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch theo quy định…”.
Có thể thấy, với những nội dung và tinh thần nêu trên, thông điệp nổi bật từ Công điện 1300/CĐ-TTg ngày 24/9/2020 của Thủ tướng về việc phòng, chống dịch COVID-19 là tiếp tục tinh thần “Chống dịch như chống giặc”, với sự khẩn trương, nghiêm túc, quyết liệt cao nhất, đồng thời cũng thể hiện sự bình tĩnh, tự tin và chủ động cao trên cơ sở những kinh nghiệm, bài học và năng lực, thành quả trong chống dịch mà chúng ta đã có được thời gian qua.
Thật đáng mừng là nhiều địa phương, tiêu biểu như Hà Nội, đã sớm quán triệt nghiêm túc Công điện bằng những chỉ đạo kịp thời của chính quyền Thành phố. Ngày 25/9, Phó Chủ tịch UBND thành phố, Trưởng Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 thành phố Hà Nội Ngô Văn Quý đã ký ban hành Công văn số 4719/UBND-KGVX về việc thực hiện Công điện số 1300/CĐ-TTg ngày 24/9/2020 của Thủ tướng Chính phủ.
Theo đó, UBND thành phố yêu cầu các sở, ban, ngành của Thành phố và UBND các quận, huyện, thị xã tiếp tục thực hiện nghiêm túc các nội dung theo chỉ đạo của UBND thành phố tại Công văn số 4522/UBND-KGVX ngày 16/9/2020 về việc thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 trong trạng thái bình thường mới; tiếp tục đề cao cảnh giác, tuyệt đối không lơ là, chủ quan trước nguy cơ dịch bệnh; tổ chức thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch, chú trọng tuyên truyền tiếp tục thực hiện nghiêm các biện phòng, chống dịch, đồng thời không để ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động sản xuất, kinh doanh và đời sống nhân dân;
Dù đã có thành công bước đầu trong kiểm soát dịch bệnh và có nhiều tín hiệu tích cực về máy móc, vật tư y tế và bộ kit xét nghiệm cũng như các vaccine phòng chống COVID-19 trong nước và trên thế giới, song thế giới mỗi ngày vẫn ghi nhận khoảng 250.000 ca mắc mới, khoảng 5.000 người tử vong và chưa có dấu hiệu chững lại; thậm chí, dịch bệnh đã lây lan nhanh trở lại tại một số nước sau khi nới lỏng các biện pháp giãn cách xã hội. Các nguồn bệnh và nguy cơ lây nhiễm rộng thành làn sóng thứ 3 dịch bệnh COVID-19 vẫn hiện hữu ở Việt Nam từ nhiều hướng, bằng nhiều cách thức, cả trước mắt hay lâu dài…
Bởi vậy, việc quán triệt và thực hiện nghiêm túc tinh thần Công điện 1300/CĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ là nhiệm vụ, kỷ luật công vụ bắt buộc đối với tất cả các cơ quan chức năng, từng địa phương và hết sức cần thiết ngay cả đối với từng người dân trên cả nước, là nghĩa vụ và vì lợi ích của chính mình và của cả cộng đồng.
TS.Nguyễn Minh Phong