Mỹ ban hành lệnh trừng phạt hãng chip lớn nhất Trung Quốc
Chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump đã ban hành lệnh hạn chế xuất khẩu với SMIC, nhà sản xuất chip bán dẫn lớn nhất Trung Quốc. Lệnh cấm sẽ khiến một số công ty Mỹ như Lam Research, KLA Corp hay Applied Materials phải xin giấy phép xuất khẩu từ chính phủ để tiếp tục cung ứng linh kiện, phần mềm cho hãng chip Semiconductor Manufacturing International Corporation (SMIC).
Trong thông báo được gửi ngày 25/9. Bộ Thương mại Mỹ cho biết lệnh cấm được đưa ra sau khi nhận thấy “nguy cơ không thể chấp nhận” về việc linh kiện gửi đến SMIC có thể được sử dụng cho mục đích quân sự.
Quyết định mới đi ngược với lập trường được Mỹ đưa ra hồi đầu năm. Lúc ấy, một số công ty đã nộp đơn xin giấy phép quân đội để cung ứng linh kiện cho SMIC, tuy nhiên Bộ Thương mại Mỹ nói rằng điều đó là không cần thiết.
Nguồn tin từ chính phủ cho biết Lầu Năm Góc đã đề xuất hạn chế xuất khẩu với SMIC vì lo rằng hãng chip này tạo điều kiện phát triển công nghệ cho quân đội Trung Quốc.
Trả lời Reuters, đại diện SMIC cho biết chưa nhận được bất cứ văn bản chính thức nào về lệnh hạn chế xuất khẩu và khẳng định không có quan hệ với quân đội Trung Quốc. “SMIC sản xuất chip bán dẫn và cung cấp dịch vụ dành cho người dùng thương mại cuối…Công ty không có quan hệ với quân đội Trung Quốc, không sản xuất phần cứng cho tổ chức quân đội nào”, hãng chip lớn nhất Trung Quốc cho biết.
SMIC là ông lớn thứ 2 của Trung Quốc bị Mỹ trừng phạt vì lo ngại an ninh quốc gia. Trước đó, tập đoàn viễn thông Huawei cũng nhận lệnh hạn chế xuất khẩu vì nằm trong danh sách đen của Bộ Thương mại Mỹ từ tháng 5/2019. Hiện SMIC vẫn chưa bị đưa vào danh sách đen.
Chủ tịch Huawei Guo Ping cho biết các lệnh trừng phạt của Mỹ đã mang đến thách thức lớn cho hoạt động sản xuất của công ty, ảnh hưởng đặc biệt đến bộ phận smartphone và chip bán dẫn. Từ 15/9, Huawei đã ngừng sản xuất chip xử lý Kirin do lệnh trừng phạt của Mỹ.
Vào đầu tháng 9, đã có tin đồn về việc Bộ Thương mại Mỹ lên kế hoạch đưa SMIC vào danh sách đen vì cho rằng công ty này có quan hệ với quân đội Trung Quốc.
Nicholas Klein, luật sư chuyên về thương mại quốc tế tại Washington nhận định dưới góc nhìn kinh tế, gia tăng hạn chế đối với SMIC hay Huawei sẽ có tác động lớn hơn so với cấm các ứng dụng như TikTok. Ông cho rằng những hành động này có thể khiến Bắc Kinh trả đũa.
Cục Công nghiệp và An ninh của Bộ Thương mại Mỹ từ chối bình luận về lệnh hạn chế mới, nhưng nói rằng họ “liên tục theo dõi, đánh giá những mối đe dọa tiềm ẩn đối với lợi ích chính sách đối ngoại và an ninh quốc gia Mỹ”.
Thái Hòa