Bảo vệ quyền lợi của doanh nghiệp và ngành sản xuất nội địa thông qua đấu tranh phòng vệ thương mại
Bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu rộng đi kèm với tình trạng cạnh tranh không lành mạnh làm gia tăng các biện pháp phòng vệ thương mại tại các quốc gia. Trước tình hình trên, Bộ Công Thương, trong đó nòng cốt là Cục phòng vệ thương mại đang nỗ lực triển khai một cách có hệ thống và đồng bộ công tác quản lý nhà nước nhằm ứng phó và chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại, góp phần bảo vệ quyền lợi của các doanh nghiệp và ngành sản xuất trong nước.
Nguy cơ và hậu quả
Có thể thấy tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế giúp Việt Nam gặt hái được những thành tựu nổi bật trong phát triển kinh tế, nhất là trong lĩnh vực xuất khẩu song đi kèm đó là sự va chạm với lợi ích của các ngành sản xuất trong nước tại các thị trường nhập khẩu. Đây cũng là nguyên nhân làm xuất hiện ngày càng nhiều các vụ phòng vệ thương mại đối với hàng xuất khẩu của Việt Nam với tính chất ngày càng phức tạp.
Đặc biệt với hai thị trường xuất khẩu lớn nhất là Trung Quốc và Mỹ, khi cuộc chiến thương mại nổ ra, Việt Nam là một trong các quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất, trong đó có những nguy cơ về gian lận để lẩn tránh các biện pháp hạn chế thương mại mà Trung Quốc và Mỹ đang áp dụng với hàng hóa của nhau. Ngoài ra, sự bế tắc của WTO trong đó có cơ chế giải quyết tranh chấp, cùng với xu hướng gia tăng đầu tư nước ngoài từ các nền kinh tế trong khu vực có định hướng xuất khẩu vào Việt Nam khiến nước ta thường xuyên trở thành mục tiêu của các vụ việc điều tra phòng vệ thương mại và lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại.
Theo thống kê của Cục phòng vệ thương mại, nếu như giai đoạn 2000 – 2016 có 15 vụ điều tra lẩn tránh thuế phòng vệ thương mại với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam (trung bình 1 vụ/năm) thì giai đoạn từ năm 2017 đến quý I/2020 đã có thêm 7 vụ việc mới được khởi xướng điều tra (trung bình 2 vụ/năm). Xu hướng này dự kiến sẽ tiếp tục gia tăng khi Việt Nam ngày càng khẳng định vị thế trong chuỗi cung ứng toàn cầu. Nếu không có các biện pháp tích cực để xử lý vấn đề lẩn tránh bất hợp pháp biện pháp phòng vệ thương mại, nhất là thông qua gian lận xuất xứ, có thể ảnh hưởng đến các doanh nghiệp, ngành hàng trong nước. Về lâu dài, thực trạng này còn tác động tiêu cực tới sức cạnh tranh của cả nền kinh tế trong bối cảnh đất nước đã tham gia hàng loạt FTA có yêu cầu cao về xuất xứ như EVFTA.
Quyết liệt vào cuộc
Nhằm đấu tranh chống lại các hành vi gian lận xuất xứ, chuyển tải bất hợp pháp, lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại, bảo vệ quyền lợi chính đáng của doanh nghiệp, trong năm 2019, Bộ Công Thương đã nghiên cứu và tham mưu Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 824/QĐ-TTg ngày 4/7/2019 ban hành Đề án “Tăng cường quản lý nhà nước về chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại và gian lận xuất xứ”; Nghị quyết số 119/NQ-CP ngày 31/12/2019 về một số biện pháp cấp bách nhằm tăng cường quản lý nhà nước về phòng chống gian lận xuất xứ, chuyển tải hàng hóa bất hợp pháp.
Trên cơ sở Quyết định 824 và Nghị quyết 119, Bộ Công Thương sẽ thường xuyên theo dõi và cập nhật danh sách cảnh báo các mặt hàng có nguy cơ gian lận xuất xứ, chuyển tải bất hợp pháp nhằm lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại để thông báo cho các bộ, ngành và địa phương tăng cường công tác kiểm tra, giám sát; rà soát lại các quy định liên quan đến chống gian lận xuất xứ, chuyển tải bất hợp pháp. Trong đó Bộ Công Thương đã ban hành Thông tư số 22/2019/TT-BCT ngày 12/11/2019 quy định về tạm ngừng kinh doanh chuyển khẩu, kinh doanh tạm nhập gỗ dán vào Việt Nam để tái xuất Hoa Kỳ và Thông tư số 27/2019/TT-BCT ngày 15/11/2019 quy định về danh mục phế liệu tạm ngừng kinh doanh tạm nhập, tái xuất, kinh doanh chuyển khẩu.
Ngoài ra Cục phòng vệ thương mại cũng chú trọng đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra các trường hợp nghi ngờ gian lận xuất xứ. Qua nghiên cứu, tham mưu của Cục phòng vệ thương mại, Bộ Công Thương đã chỉ đạo các cơ quan cấp giấy chứng nhận xuất xứ tăng cường công tác kiểm tra, đấu tranh với các hành vi gian lận thương mại về xuất xứ, đặc biệt là đối với các mặt hàng thuộc nhóm có nguy cơ cao.Phối hợp chặt chẽ với các cơ quan có thẩm quyền ở nước nhập khẩu để trao đổi thông tin, phối hợp xử lý các vụ việc gian lận xuất xứ, chuyển tải bất hợp pháp; tăng cường tuyên truyền, phổ biến các quy định về chống gian lận xuất xứ nhằm nâng cao nhận thức và sự tự giác tuân thủ của các doanh nghiệp;nghiên cứu một số phương án, cơ chế khai báo xuất khẩu tự nguyện để bảo vệ quyền lợi chính đáng của các doanh nghiệp.
Bên cạnh nỗ lực của Chính phủ, Bộ Công Thương, bản thân doanh nghiệp cũng giữ vai trò vô cùng quan trọng, mang tính quyết định trong cuộc chiến chống lại các hành vi gian lận xuất xứ, chuyển tải bất hợp pháp, lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại. Chính vì vậy nếu phát hiện các dấu hiệu vi phạm, doanh nghiệp cần chủ động phối hợp các cơ quan chức năng điều tra, ngăn chặn, tránh để hành vi của một vài doanh nghiệp làm ảnh hưởng tới các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh chân chính.
Linh Lan