Kinh tế toàn cầu sẽ không suy thoái nghiêm trọng như dự kiến
Ngày 16/9, trong báo cáo được công bố mới nhất, Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) cho hay, suy thoái toàn cầu trong năm nay sẽ không sâu như dự kiến nhờ các quốc gia nỗ lực chống lại cuộc suy thoái kinh tế do đại dịch Covid-19 gây ra. Tuy nhiên, sự phục hồi trong năm tới cũng sẽ khiêm tốn hơn so với dự báo.
OECD dự báo, GDP toàn cầu sẽ giảm 4,5% trong năm nay và quay trở lại tăng trưởng khoảng 5% vào năm 2021. Trong bản dự báo trước đó hồi tháng 6, tổ chức này đã ước tính GDP toàn cầu sẽ giảm 6% vào năm 2020 và phục hồi tăng trưởng 5,2% vào năm tới.
OECD cho biết, sau giai đoạn nhiều hoạt động kinh tế phục hồi bước đầu khi các nước nới lỏng biện pháp hạn chế đi lại để kiểm soát dịch bệnh, có một số dấu hiệu từ các chỉ số và các cuộc khảo sát kinh doanh cho thấy tốc độ phục hồi toàn cầu đã mất đà kể từ tháng 6, đặc biệt là ở nhiều nền kinh tế phát triển.
Tổ chức này chỉ ra rằng, triển vọng kinh tế thế giới vẫn đặc biệt không chắc chắn, với đại dịch Covid-19 tiếp tục gây ra thiệt hại đáng kể cho các nền kinh tế và xã hội trên toàn cầu. Mức độ và thời gian diễn ra cú sốc Covid-19 là khác nhau giữa các nền kinh tế lớn, nhưng tất cả các nước đều sẽ trải qua sự suy giảm mạnh trong hoạt động kinh doanh khi các biện pháp ngăn chặn dịch được áp dụng.
Báo cáo của OECD cho biết, Trung Quốc dự kiến sẽ là nước duy nhất ghi nhận tăng trưởng trong năm 2020, với mức tăng trưởng dự kiến là 1,8%. Mặt khác, Ấn Độ sẽ chứng kiến nền kinh tế suy giảm 10,2%.
Kinh tế Mỹ cũng sẽ suy giảm nhưng vẫn ổn hơn so với mức trung bình toàn cầu. Nền kinh tế lớn nhất thế giới này dự kiến sẽ suy giảm 3,8% trong năm nay.
Kinh tế Đức sẽ có hiệu suất tốt hơn so với toàn bộ Khu vực sử dụng đồng euro (Eurozone), với nền kinh tế này ước sẽ thu hẹp 5,4% so với mức giảm 7,9% của Eurozone. Theo dự báo của OECD, nền kinh tế Pháp sẽ giảm 9,5% trong năm nay, còn mức giảm của Italy và Anh là 10,5% và 10,1%.
OECD dự báo, triển vọng tăng trưởng trong tương lai sẽ phụ thuộc vào một loạt yếu tố. Đó là mức độ nghiêm trọng của đợt bùng phát dịch mới, các biện pháp hạn chế nào sẽ được áp dụng, việc triển khai vaccine và tác động của các chính sách tài khóa và tiền tệ đối với nhu cầu tiêu dùng.
Duy Kiên (Theo AFP)