Thương mại toàn cầu hiện đối mặt với khoảng cách tài chính 3,4 nghìn tỷ USD
Nhiều người biết rằng các doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME) gặp khó khăn trong việc tiếp cận tài trợ thương mại. Điều này được thúc đẩy bởi sự kết hợp của các yếu tố bao gồm mức độ tín nhiệm, các yêu cầu về tài sản thế chấp, tính thanh khoản ngắn hạn và rủi ro chính trị hoặc tiền tệ.

Khoảng cách tài chính thương mại toàn cầu là một trở ngại lớn đối với việc giảm nghèo và giảm thiểu bất bình đẳng – hai lĩnh vực mà các Mục tiêu Phát triển Bền vững (SDGs) của Liên Hợp Quốc đặt ra để xóa bỏ.
Vào năm 2019, Ngân hàng Phát triển Châu Á đã ước tính khoảng cách chênh lệch tài chính thương mại toàn cầu ở mức đáng kinh ngạc 1,5 nghìn tỷ USD, nhưng trong bối cảnh ảnh hưởng từ Covid-19, khoảng cách tài chính thương mại đã tăng vọt.
Nghiên cứu mới từ Phòng Thương mại Quốc tế (ICC) ước tính tín dụng thương mại cần cung cấp từ 1,9 đến 5 nghìn tỷ USD để đưa nền kinh tế quay trở lại mức năm 2019. Cùng với khoảng chênh lệch tài trợ thương mại năm 2019 hiện có (1,5 nghìn tỷ USD), điều đó có nghĩa là, hiện chúng ta cần từ 3,4 đến 6,5 nghìn tỷ USD để có thể đáp ứng các SDG. Trong cuộc tranh luận đang diễn ra về việc làm thế nào để đạt được điều này, không nên bỏ qua vai trò của các ngân hàng.
Trong khi rào cản đối với tài trợ thương mại gây tổn hại cho tất cả các quốc gia, thì chính các doanh nghiệp vừa và nhỏ ở các nền kinh tế mới nổi bị ảnh hưởng nhiều nhất. Một báo cáo của Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) vào năm 2019 cho thấy hơn 40% đơn xin tài trợ thương mại của các doanh nghiệp vừa và nhỏ đã bị từ chối và Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế cũng đồng tình với điều này.
Họ cho biết rằng “Các doanh nghiệp vừa và nhỏ vẫn còn nắm tỷ lệ ít ỏi trong thương mại toàn cầu…”. Điều trớ trêu là ở các nền kinh tế mới nổi, các doanh nghiệp vừa và nhỏ là những người sử dụng lao động và đóng góp kinh tế lớn nhất. Theo Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF), việc thiếu khả năng tiếp cận tài chính thương mại là rào cản xuất khẩu ba hàng đầu đối với một nửa số quốc gia trên thế giới – đặc biệt là những quốc gia nghèo nhất.
Với tư cách là nhà cung cấp quan trọng của tài trợ thương mại, các ngân hàng cần có hành động phối hợp để giảm chênh lệch tài trợ thương mại.
Tầm quan trọng càng trở nên rõ ràng hơn khi xem xét tiềm năng to lớn cho tăng trưởng thương mại, đặc biệt là ở các nền kinh tế mới nổi.
Trong Báo cáo chỉ số Trade20 của Standard Chartered được công bố vào tháng 9 năm 2019, các thị trường mới nổi đang nhanh chóng xây dựng động lực để thúc đẩy sức mạnh thương mại của họ, mang lại cho họ tiềm năng tăng trưởng cao so với quy mô của họ.
Standard Chartered nhận ra tiềm năng này và đầu tư vào Contour, một nền tảng công nghiệp dựa trên blockchain tập trung vào tin dụng thư kỹ thuật số (L/Cs). Khoản đầu tư này đã dẫn đến một số chương trình thí điểm thành công, bao gồm cả L/C bằng nhân dân tệ đầu tiên sử dụng blockchain. Ngân hàng Standard Chartered hiện cũngg khám phá khả năng triển khai bảo lãnh cho khách hàng tại các thị trường mới nổi.
Bằng cách triển khai song song các cải tiến công nghệ và quy trình, các ngân hàng có cơ hội giúp thu hẹp khoảng cách tài trợ thương mại ngày càng tăng. Điều này sẽ cho phép các doanh nghiệp vừa và nhỏ hoàn thành vai trò là động cơ rất cần thiết của tăng trưởng kinh tế. Quan trọng nhất, làm như vậy, thế giới sẽ tiến gần hơn một bước tới việc xóa đói giảm nghèo và bất bình đẳng.
Minh Anh