Tranh thủ thị trường xuất khẩu khi gạo Việt Nam có giá tốt

Gạo 5% tấm của Việt Nam đang có giá tốt, duy trì ở mức 480-490 USD/tấn. Đây là cơ hội tốt tăng giá trị xuất khẩu của hạt gạo trong nước. Tuy nhiên, các chuyên gia cũng cảnh báo cần theo dõi sát nhu cầu thị trường để không đánh mất những đơn hàng mới của những tháng cuối năm trong tình thế cạnh tranh về giá và chất lượng với gạo Thái Lan.

Số liệu thống kê trên website của Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) từ giữa tháng 7 đến nay cho thấy, giá gạo xuất khẩu của Việt Nam có những thời điểm vượt lên, cao hơn giá gạo Thái Lan.

Cụ thể, ngày 16/7, giá gạo loại 5% tấm của Việt Nam là 467 USD/tấn, trong khi gạo cùng loại của Thái Lan là 447 USD/tấn và duy trì giá chào bán cao hơn Thái Lan khoảng một tuần cuối tháng 7. Đến những ngày gần đây, giá gạo hai nước so kè từng ngày, chênh lệch không đáng kể.

Ông Nguyễn Đình Bích, chuyên gia phân tích thị trường lúa gạo cho biết, đây là lần thứ hai trong lịch sử xuất khẩu gạo chúng ta vượt Thái Lan về giá chào bán. Trước đó, vào tháng 9/2011, khi Chính phủ Thái Lan thay đổi chính sách xuất khẩu gạo đã tạo cơ hội cho Việt Nam tăng giá bán lên mức kỷ lục, đỉnh điểm có giai đoạn đạt 557 USD/tấn so với giá gạo Thái Lan 536 USD/tấn, kéo dài đến tháng 1/2012.

Cuối tháng 3 vừa qua, nước ta điều chỉnh cơ chế xuất khẩu gạo khi dịch COVID-19 diễn biến khó lường, tạo cơ hội cho Thái Lan thống lĩnh thị trường xuất khẩu gạo thế giới “một mình một chợ”, họ đã đẩy giá xuất khẩu gạo lên cao, kéo theo giá gạo của Việt Nam tăng theo.

Tuy nhiên, theo đánh giá của ông Bích, việc này gây ra kết quả ngược, đến tháng 6 thì tổng lượng gạo xuất khẩu của Thái Lan đã giảm 40% so với cùng kỳ 2019. Hiện nay Thái Lan đã chủ động hạ giá xuất khẩu gạo, nhưng mức giá vẫn cao hơn rất nhiều so với trước dịch COVID-19. Theo lí giải của ông Bích, động thái của Thái Lan nhằm đẩy mạnh xuất khẩu những tháng cuối năm, bù đắp cho sự sụt giảm trước đó, do vậy sẽ gây khó khăn cho nước ta trong việc tìm kiếm những hợp đồng mới. Ông Bích dẫn ra bài học với Maylaysia, một khách hàng truyền thống của Việt Nam đã chuyển sang nhập 100.000 tấn gạo của Ấn Độ với mức giá thấp hơn rất nhiều giá chào bán của Việt Nam.

Tuy nhiên doanh nghiệp xuất khẩu gạo lại không bi quan như vậy. Ông Đỗ Hà Nam, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu Intimex cho biết, doanh nghiệp đang xuất gạo với giá 485 USD/tấn. Đây cũng là mức giá gạo hiện tại của Thái Lan theo thông tin niêm yết mới nhất của VFA. “Nhiều báo đăng giá gạo Việt Nam trên 490 USD/tấn và cao hơn giá của Thái Lan 20 USD. Intimex dẫn đầu sản lượng xuất khẩu gạo cũng chỉ xuất được giá 485 USD/tấn thì tôi không biết thông tin trên là từ đâu”, ông Đỗ Hà Nam hoài nghi.

Theo ông Nam, giá gạo hiện nay đang có lợi cho người trồng lúa, cho doanh nghiệp xuất khẩu và vẫn có thể duy trì mức giá cao vì nhiều lý do, nhưng phần lớn là do cung-cầu thị trường. Tổng sản lượng gạo xuất khẩu của Việt Nam đến thời điểm này đã giảm so với cùng kỳ, trong khi nhu cầu của thế giới tăng do dịch COVID-19 và một số thị trường chính như Trung Quốc đang gánh chịu thiên tai nặng nề nên giá gạo vẫn cao trong những tháng sắp tới.

Về chỉ tiêu xuất khẩu gạo cả năm, ông Nam cho rằng không đáng lo ngại. Với Intimex, chỉ tiêu cả năm khoảng 500.000 tấn thì đến nay doanh nghiệp đã xuất được gần 400.000 tấn, nhiệm vụ cho những tháng còn lại khá nhẹ nhàng.

Ông Lê Thanh Tùng, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NN&PTNN) cho biết, 7 tháng năm 2020, khối lượng xuất khẩu gạo nước ta đạt gần 3,69 triệu tấn và đạt giá trị gần 1,9 tỷ USD, giảm 1,4% về lượng nhưng tăng gần 11% về giá trị so với cùng kỳ. Hiện các doanh nghiệp xuất khẩu gạo Việt Nam vẫn tập trung hàng để hoàn tất các hợp đồng đã ký với đối tác nước ngoài như Malaysia, Phillipines và Cuba để hoàn thành kế hoạch xuất 6,7 triệu tấn cả năm 2020.

Thời điểm hiện nay giá gạo Việt Nam ngang ngửa với Thái Lan, theo ông Lê Thanh Tùng là đáng mừng. Bên cạnh nguyên nhân khách quan từ nhu cầu thị trường thế giới tăng cao thì ông Tùng cho rằng phải nhìn nhận chất lượng gạo của Việt Nam đang tốt lên, nhưng việc tăng giá và vượt lên Thái Lan chỉ là hiện tượng đột biến, không kỳ vọng duy trì hằng năm.

Về lâu về dài để cạnh tranh được giá bán với Thái Lan đòi hỏi chiến lược nâng cao chất lượng gạo của Việt Nam. Cách đây 10 năm, Chính phủ đã có chủ trương tái cơ cấu nông nghiệp và tái cơ cấu ngành hàng lúa gạo cùng với Nghị quyết 120 về sản xuất lúa gạo thích ứng biến đổi khí hậu nhằm nâng cao chất lượng gạo. Do vậy đã có nhiều giống lúa mới chất lượng cao được đưa vào sản xuất thay thế giống chất lượng trung bình. Thậm chí một số loại gạo chất lượng cao của Việt Nam được thế giới công nhận như ST25, ST24, Nàng hoa 9… có giá chào bán quanh ngưỡng 1.000 USD/tấn. Tuy nhiên ông Tùng cho rằng, chủ trương xuất khẩu gạo của nước ta không lấy các giống lúa tuyệt đỉnh làm trọng tâm, mà chỉ giữ tỉ trọng ở mức 15% để duy trì thương hiệu, vì chất lượng cao nhưng năng suất thấp, không mang lại giá trị kinh tế cho đại đa số người trồng lúa.

Ngoài ra, theo ông Đỗ Hà Nam, thỏa thuận của Chính phủ Việt Nam với Liên minh châu Âu trong xuất khẩu gạo không có những loại gạo “tuyệt phẩm” như ST25.

Lo ngại trước mắt của những doanh nghiệp xuất khẩu gạo như Intimex là gạo nếp không có đầu ra. Trước đây thị trường chính xuất khẩu gạo nếp là Trung Quốc với hạn ngạch khoảng 400.000 tấn mỗi năm, còn lại khoảng 1 triệu tấn xuất đi qua nước thứ 3 là Campuchia. Thời gian qua do ảnh hưởng dịch COVID-19, chính sách đóng cửa biên giới đã khiến gạo nếp không tìm được đường ra thế giới.

Duy Sơn