Việt Nam – Thị trường mới nổi tiềm năng cho các công ty đa quốc gia Mỹ

Từ trước đến nay, các công ty đa quốc gia lớn của Mỹ thường tìm kiếm cơ hội phát triển tại các thị trường mới nổi. Tuy nhiên bối cảnh dịch Covid – 19 hoành hành cũng chính là dịp để các doanh nghiệp này sàng lọc thị trường cũng như họ phân bổ lại các khoản đầu tư của mình.

Khi đại dịch Covid – 19 càn quét, các thị trường lớn như Ấn Độ, Brazil rơi vào khủng hoảng. Trong khi các công ty tại Mỹ vẫn đang được hưởng lợi từ hệ thống y tế hiện đại, chuỗi cung ứng thực phẩm đa dạng cùng mạng lưới cơ sở hạ tầng vững chắc, có thể chống chọi tốt hơn với dịch bệnh thì các thị trường mới nổi lại hoàn toàn không có các điều kiện này, gây khó khăn lớn cho các công ty đa quốc gia tại đây.

Có thể thấy hầu hết các thị trường mới nổi lớn đều phụ thuộc vào nhu cầu từ Trung Quốc, châu Âu và Mỹ nên khi các thị trường này khủng hoảng, họ cũng bị cuốn vào vòng xoáy. Thậm chí nhiều thị trường mới nổi còn chịu tác động kinh tế của Covid-19 trước cả tác động y tế. Trong đó lĩnh vực xuất khẩu được xem là chịu ảnh hưởng mạnh mẽ nhất. Tác động này đã làm suy yếu đồng tiền của thị trường mới nổi bởi họ không đủ khả năng bơm hàng nghìn tỷ USD để kích thích nền kinh tế của mình như cách Mỹ đã làm.

Trong lịch sử, đã có nhiều nền kinh tế mới nổi bị tụt dốc do tác động của các sự kiện thảm khốc và phải mất nhiều năm mới có thể phục hồi trở lại. Như vậy công bằng mà nói, nhiều thị trường mới nổi sẽ bị ảnh hưởng sâu sắc trong vài năm tới…Tuy nhiên điều này không có nghĩa là các công ty đa quốc gia của Mỹ nên tránh né các thị trường mới nổi; ngược lại mỗi thị trường cần phải được đánh giá một cách độc lập, khách quan, đặt trong bối cảnh đại dịch và trong nền kinh tế toàn cầu.

Việc dòng chảy thương mại toàn cầu chững lại và Trung Quốc tạm thời đóng cửa do ảnh hưởng của dịch Covid – 19 đã khiến các thị trường mới nổi ở Đông Nam Á bị ảnh hưởng về mặt kinh tế. Trong bối cảnh đó, nhiều thị trường ở ASEAN, đơn cử như Việt Nam và Malaysia, đã tìm cách giảm thiểu sự lây lan của dịch bệnh và đang từng bước mở cửa nền kinh tế trở lại.

Đặc biệt với Việt Nam, nhờ kinh nghiệm tích lũy trong các trận chiến chống lại các đại dịch trước đây, đất nước hình chữ S hoàn toàn có thể lấy lại cơ hội tăng trưởng và đầu tư trong khi các quốc gia khác phải vật lộn chống chọi để có thể phục hồi trong vài năm tới.

Mỗi cuộc khủng hoảng kinh tế đều để lại hậu quả nghiêm trọng và đại dịch Covid – 19 đặt ra những thách thức chưa từng có tiền lệ nhưng nó cũng đồng thời tạo ra cơ hội, đúng theo nghĩa “trong nguy có cơ”. Trong khi một số ngành công nghiệp bị Covid – 19 tàn phá thì lại có những ngành khác tìm thấy cơ hội phát triển từ trong dịch bệnh.

Trân Nguyễn