Australia muốn buộc Facebook và Google trả tiền cho các công ty truyền thông
Australia đang chuyển sang áp đặt các quy tắc mới sẽ yêu cầu Facebook và Google thanh toán cho các tổ chức truyền thông để sử dụng nội dung tin tức của họ.
Các nhà điều hành vào thứ Sáu đã ban hành dự thảo luật cho phép các nhà xuất bản tin tức trong nước thương lượng bồi thường với hai công ty công nghệ để được chia sẻ hoặc hiển thị tin tức của họ.
Điều này sẽ cho phép các cơ quan truyền thông nhất định thương lượng cá nhân hoặc tập thể với Facebook và Google – và tham gia trọng tài nếu các bên không thể đạt được thỏa thuận trong vòng ba tháng, theo Ủy ban Cạnh tranh và Người tiêu dùng Australia (ACCC), cơ quan đưa ra đề xuất về luật này. Quá trình đó sẽ liên quan đến một trọng tài viên độc lập xem xét các đề nghị từ cả hai phía và giải quyết vấn đề trong vòng 45 ngày làm việc.
Bộ luật này tiếp theo sẽ trải qua giai đoạn tham vấn cộng đồng, sau đó nó sẽ được hoàn thiện và đưa ra quốc hội Australia, nơi các nhà lập pháp sẽ bỏ phiếu về việc có nên thông qua hay không.
Chủ tịch ACCC Rod Sims nói trong một tuyên bố: “Có sự mất cân bằng quyền lực thương lượng cơ bản giữa các doanh nghiệp truyền thông tin tức và các nền tảng kỹ thuật số lớn, một phần vì các doanh nghiệp tin tức không có lựa chọn nào khác ngoài việc phải hợp tác với các nền tảng và có rất ít khả năng đàm phán về việc thanh toán cho nội dung của họ hoặc các vấn đề khác”.
Kết quả của đề xuất có thể sẽ được theo dõi chặt chẽ trên toàn thế giới. Bộ trưởng Ngân quỹ Australia Josh Frydenberg thừa nhận tầm quan trọng quốc tế tại cuộc họp báo hôm thứ Sáu, gọi dự thảo này là một động thái mang tính bước ngoặt sẽ “thu hút sự chú ý của nhiều cơ quan quản lý và nhiều chính phủ trên toàn thế giới”.
Hiện tại, Google và Facebook là những công ty công nghệ duy nhất phải tuân theo quy định mới. Nhưng các nền tảng khác có thể được thêm vào trong tương lai, theo ACCC.
Căng thẳng kéo dài
Facebook và Google đã đấu tranh với các nhà xuất bản trong nhiều năm qua về cách hiển thị nội dung của họ, với các công ty truyền thông lập luận rằng các đại gia công nghệ nên trả tiền cho họ để có được đặc quyền đó. Các nhà phê bình của hai công ty công nghệ chỉ ra rằng vì họ thống trị ngành kinh doanh quảng cáo trực tuyến, nó khiến các nhà xuất bản tin tức bị ràng buộc và khiến họ phải tranh giành phần thừa còn lại.
Tại Australia, luật đặc biệt này đã được thảo luận trong nhiều tháng và được đưa ra sau cuộc “tham vấn dài và gắt gao” với Google, Facebook và một số cơ quan báo chí của Australia, theo ACCC.
Hai bên hiện rất cần nhau: Các nền tảng cần nhà xuất bản để đưa ra kết quả tìm kiếm và nguồn cấp dữ liệu của họ, cung cấp cho người dùng thông tin cập nhật và đáng tin cậy về những gì đang xảy ra. Và các nhà xuất bản cần các nền tảng để giúp thúc đẩy số lượng khán giả đến trang web của họ.
Nhưng trong nhiều năm, các nhà xuất bản đã nói rằng các nền tảng như Google và Facebook tận dụng lợi thế không công bằng của các phương tiện truyền thông, mang lại cho họ ít lợi nhuận.
Chiến đấu vì ‘giá trị’
Cả hai công ty trước đây đã hạ thấp tác động thương mại của việc chia sẻ nội dung tin tức và thay vào đó chỉ ra những lợi ích mà các phương tiện truyền thông nhận được từ việc sử dụng nền tảng của họ.
Ví dụ, Google nói rằng họ gửi “hàng tỷ lần nhấp chuột cho các nhà xuất bản tin tức Australia miễn phí mỗi năm trị giá 218 triệu đô la Australia (khoảng 157 triệu USD).” Gần đây, Facebook cũng đã khẳng định về 2,3 tỷ lần nhấp chuột trên News Feed mà họ mang đến cho các tổ chức tin tức của Australia miễn phí
Google nói: “Giá trị kinh tế trực tiếp và gián tiếp mà Google nhận được từ tin tức là rất nhỏ”. Năm ngoái, Google đã kiếm được khoảng 10 triệu đô la Australia (7,2 triệu USD) doanh thu “từ các lần nhấp vào quảng cáo đối với các truy vấn có thể liên quan đến tin tức ở Australia”.
Tương tự, Facebook đã nói rằng “tin tức không thúc đẩy giá trị thương mại dài hạn đáng kể cho doanh nghiệp của chúng tôi”. Mạng xã hội đã xuất bản một bài báo dài 58 trang vào tháng 6 để phản ứng trước bô luật được đề xuất ở Australia, vào thời điểm đó vẫn đang được lên khái niệm.
Công ty lập luận rằng trong khi họ hỗ trợ một số loại khung pháp lý để giúp các công ty công nghệ và tổ chức truyền thông hợp tác với nhau, thì việc “cho rằng hai công ty tư nhân là Facebook và Google chịu trách nhiệm hỗ trợ lợi ích công cộng và giải quyết những thách thức mà ngành truyền thông Australia phải đối mặt là điều không hợp lý ,”
Tuy nhiên, các doanh nghiệp truyền thông truyền thống có thể sẽ ủng hộ cho luật mới.
Các công ty công nghệ đã lập luận rằng họ vẫn hỗ trợ các nhà báo bằng cách hợp tác với các tổ chức tin tức theo những cách khác.
Tùng Chi