8 tháng, các mặt hàng lâm sản chính xuất siêu 4,392 tỷ USD
8 tháng đầu năm 2018, giá trị xuất khẩu các mặt hàng lâm sản chính ước đạt 5,858 tỷ USD (tương đương 65,12% kế hoạch năm), tăng khoảng 13% so với cùng kỳ năm 2017. Con số khả quan này đưa ngành gỗ đến gần hơn với mục tiêu xuất khẩu 9 tỷ USD trong năm 2018.
Xuất khẩu lâm sản chính 8 tháng đầu năm 2018 ước đạt 5,858 tỷ USD |
Nhìn vào thống kê của Tổng Cục Lâm nghiệp (Bộ NN&PTNT) có thể thấy điểm đáng lưu ý là giá trị xuất siêu của lâm sản chính 8 tháng ước đạt 4,392 tỷ USD; trong đó xuất siêu gỗ và sản phẩm gỗ đạt 4,096 tỷ USD. Đồ gỗ xuất khẩu và lâm sản ngày càng trở thành lợi thế lớn của ngành nông nghiệp Việt Nam khi giá trị xuất khẩu chiếm tới 23% tổng giá trị kim ngạch xuất khẩu của toàn ngành.
Theo đánh giá của các chuyên gia, trong 4 tháng còn lại của năm kim ngạch xuất khẩu lâm sản sẽ tiếp tục đà tăng trưởng, nhất là ở các thị trường chủ lực của Việt Nam như: Hoa Kỳ, Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, châu Âu…
Đại diện Tổng Cục Lâm nghiệp cho biết để chủ động nguồn nguyên liệu phục vụ ngành công nghiệp chế biến gỗ và lâm sản xuất khẩu, thời gian qua vấn đề phát triển trồng rừng sản xuất, trồng rừng gỗ lớn được ngành lâm nghiệp đặc biệt chú trọng. Theo đó ước tính diện tích khai thác rừng trồng tập trung toàn quốc trong tháng 8 đạt khoảng 24.000 ha, tương ứng sản lượng 1,75 triệu m³; góp phần nâng tổng sản lượng 8 tháng đầu năm ước đạt 12,3 triệu m³ (đạt 66,5 % kế hoạch năm 2018), tăng 4,8% so với cùng kỳ năm 2017.
Cũng theo Tổng Cục Lâm nghiệp, thời gian gần đây diện tích rừng trồng thay thế và rừng trồng tập trung tại các địa phương trên cả nước liên tục tăng nhanh. Tính đến thời điểm hiện nay, cả nước đã trồng được 130.858 ha rừng sản xuất; trong đó diện tích rừng trồng mới là 37.104 ha, trồng lại sau khai thác là 93.672 ha, đạt 67% kế hoạch năm 2018 và tăng 4,5% so với cùng kỳ năm 2017. Riêng tại các tỉnh miền núi phía Bắc tính đến ngày 27/08/2018 đã cơ bản hoàn thành diện tích trồng rừng, cá biệt một số địa phương còn trồng rừng vượt kế hoạch đề ra. Điển hình là tỉnh Thái Nguyên với diện tích trồng mới 6.855ha, vượt kế hoạch 3.715ha; tiếp sau đó là Bắc Giang với 6.597ha, vượt hơn 1.500ha so với kế hoạch năm 2018 mà tỉnh này đề ra (5.000ha). Các địa phương khác ở khu vực miền núi phía Bắc như Hà Giang, Tuyên Quang, Bắc Kạn, Hòa Bình, Quảng Ninh, Lạng Sơn… cơ bản đều đã hoàn thành kế hoạch trồng rừng năm 2018. Đây thực sự là một tín hiệu đáng mừng bởi nếu như trước đây, Nhà nước phải hỗ trợ các địa phương trồng rừng để phủ xanh đất trống, đồi núi trọc thì đến nay các địa phương và người dân đã tích cực, chủ động hơn trong công tác trồng rừng; qua đó cho thấy những đổi thay lớn trong tư duy về lợi ích của việc trồng rừng, phát triển kinh tế rừng và làm giàu từ rừng của người dân cũng như chính quyền các địa phương.
Trong thời gian tới, các địa phương khu vực phía Bắc, Bắc Trung bộ, Tây Nguyên và Nam bộ vẫn tiếp tục trồng rừng theo thời vụ và kế hoạch năm 2018; riêng các tỉnh, thành khu vực Nam Trung bộ cũng đang bắt đầu vào mùa vụ trồng rừng.
Theo : Nguyễn Cường