Tín hiệu tích cực từ thị trường xuất khẩu rau quả
Trong khi xuất khẩu (XK) rau, quả sang thị trường Trung Quốc 6 tháng đầu năm 2020 giảm mạnh, thì các thị trường khác lại đón những tín hiệu rất tích cực. Điển hình như thị trường Thái Lan tăng trưởng rất cao, tới hơn 230% so với cùng kỳ 2019. Theo số liệu thống kê từ Tổng cục Hải quan, trong 6 tháng đầu năm 2020, trị giá XK hàng rau, quả đạt 1,76 tỷ USD, giảm 13,6% so với cùng kỳ năm 2019.
Trong khi, XK sang Trung Quốc đạt 1,04 tỷ USD, giảm 29,3% so với cùng kỳ năm 2019, thì XK sang các thị trường khác lại tăng rất mạnh. Cụ thể, XK rau, quả tới thị trường Hàn Quốc đạt 81,7 triệu USD, tăng 25,2%; Thái Lan đạt 79,4 triệu USD, tăng 234,2%; Nhật Bản đạt 68,2 triệu USD, tăng 13,1%; Đài Loan đạt 43 triệu USD, tăng 86,8%… Hoạt động xuất khẩu vào các thị trường lớn như Mỹ, Hàn Quốc, Thái Lan… cũng tăng mạnh, thậm chí có thị trường tăng trên 200%.
Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) nhận định, dù tỉ trọng XK sang các thị trường khác có tăng nhưng chỉ chiếm 40,6% tổng trị giá XK hàng rau, quả; chưa bù đắp được mức giảm từ thị trường Trung Quốc. Tuy nhiên, đây cũng là tín hiệu khả quan cho mặt hàng rau, quả của Việt Nam.
Ấn tượng nhất là kim ngạch xuất khẩu mặt hàng rau quả sang Thái Lan đạt hơn 11,4 triệu USD, qua đó nâng tổng kim ngạch 6 tháng đầu năm lên 79,4 triệu USD. Như vậy, sự tăng trưởng rất cao tới 230% so với cùng kỳ 2019 (cùng kỳ năm ngoái chỉ đạt 23,7 triệu USD). Đây là điều khá đặc biệt khi Thái Lan vốn là quốc gia hàng đầu Đông Nam Á về xuất khẩu mặt hàng rau quả.
Thái Lan là thị trường XK hàng rau, quả lớn, nhưng cũng là trung tâm chế biến của khu vực Đông Nam Á. Vì vậy, nhu cầu nhập khẩu mặt hàng này của Thái Lan rất lớn để đa dạng hóa nguồn nguyên liệu chế biến, trong đó có Việt Nam. Một tín hiệu tích cực khác, tháng 6/2020, quả vải thiều của Việt Nam đã được xuất khẩu thành công sang Singapore, Nhật Bản…, mở ra nhiều cơ hội xuất khẩu không chỉ cho vải thiều mà còn nhiều loại rau, quả tươi của Việt Nam sang nhiều thị trường khác trên thế giới.
Ngay trong tháng 8 tới đây, khi Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam-Liên minh châu Âu (EVFTA) có hiệu lực, sẽ tạo thêm nhiều điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp ngành hàng rau quả mở rộng thị trường xuất khẩu sang các quốc gia trong Liên minh châu Âu, đây cũng là thị trường chất lượng cao và có quy mô lớn nhất nhì trên thế giới. Tuy nhiên, để xuất khẩu được vào khối thị trường châu Âu, ngành hàng rau quả của Việt Nam cần nhanh chóng nắm bắt, học hỏi quy trình công nghệ nuôi trồng, xử lý, bảo quản, nâng cao chất lượng nông sản, nhất là vệ sinh an toàn thực phẩm, phải bảo đảm đạt được những tiêu chuẩn cao cấp của thị trường châu Âu.
EU là thị trường có nhu cầu ổn định về rau, quả tươi, chiếm 45% trị giá thương mại hàng rau, quả toàn cầu. Những loại trái cây nhiệt đới và mới lạ sẽ thu hút người tiêu dùng EU. Đây sẽ là thế mạnh cho nhà XK từ các quốc gia có khí hậu phù hợp, trong đó có Việt Nam. Theo Thương vụ Việt Nam tại Hà Lan, quy mô rộng lớn và nhu cầu theo mùa của EU chính là thị trường hấp dẫn cho nhà cung cấp ở các nước đang phát triển. Tuy nhiên, họ thường tìm kiếm các nhà cung cấp đáng tin cậy trong khu vực chiến lược để có thể cung cấp trái cây và rau, quả cho người tiêu dùng bất kỳ lúc nào trong năm.
Tiềm năng XK rau, quả của Việt Nam còn khá lớn, tuy nhiên, tuân thủ các quy định về chất lượng, đáp ứng yêu cầu của thị trường XK là việc phải làm.
Việc này mất nhiều công sức nhưng sẽ được đền đáp xứng đáng về giá trị thu về. Trong xuất khẩu rau, quả, vấn đề chỉ dẫn địa lý, nguồn gốc, xuất xứ là yêu cầu quan trọng. Đây là yêu cầu tiên quyết khi Việt Nam đã tham gia các FTA thế hệ mới. Đáp ứng được điều này, rau, quả Việt Nam sẽ gia tăng giá trị hơn.
Kim Liên