Hầu hết doanh thu ngành công nghiệp đến từ doanh nghiệp FDI
Số liệu từ Bộ Thông tin và truyền thông, tính đến tháng 6/2020, số lượng doanh nghiệp công nghệ thông tin (CNTT), điện tử viễn thông (cả doanh nghiệp nội địa và nhà đầu tư nước ngoài – FDI) tại Việt Nam là khoảng 45.500 doanh nghiệp.
Riêng quý II/2020, doanh thu công nghiệp CNTT, điện tử, viễn thông đạt gần 26 tỷ USD, tăng 9,2% so với quý I/2020. Nguyên nhân là xuất khẩu lĩnh vực phần cứng, điện tử tăng trưởng chậm lại do vẫn còn ảnh hưởng của dịch Covid-19 và các lĩnh vực phần mềm, nội dung số, dịch vụ CNTT đang phục hồi nhưng còn chậm so với cùng kỳ năm 2019.
Tổng doanh thu xuất khẩu CNTT, điện tử, viễn thông của Việt Nam đến tháng 6/2020 ước tính đạt 45,7 tỷ USD, tăng trưởng 4% so với cùng kỳ. Trong đó, doanh thu xuất khẩu từ khối FDI đạt 44,5 tỷ USD chiếm 97% tổng doanh thu xuất khẩu của Việt Nam
Tính riêng khối điện tử viễn thông, tổng doanh thu dịch vụ viễn thông đến tháng 6/2020 đạt 52.849 tỷ đồng, giảm 4,85% so với cùng kỳ năm trước.
Ngay sau khi Chính phủ gỡ bỏ giãn cách xã hội, doanh thu dịch vụ viễn thông tháng 5 đã có sự tăng trưởng so với tháng 4 (dù vẫn giảm 1,7% so với tháng 5/2019) khi tổng doanh thu đạt 10.259 tỷ đồng, tăng 4,47% so với tháng trước.
Trong đó, doanh thu dịch vụ viễn thông di động đạt 7.404 tỷ đồng (chiếm 72% tỷ trọng doanh thu dịch vụ viễn thông), tăng 6,09% so với tháng 4 (nhưng giảm gần 11% so với tháng 5/2019); doanh thu dịch vụ viễn thông cố định đạt 2.854 tỷ, tăng 0,5% so với tháng trước (và tăng hơn 32% so với tháng 5/2019).
Thời gian gần đây, nhiều hãng công nghệ lớn mở rộng đầu tư vào Việt Nam. Nguồn tin của Nikkei cho hay, Panasonic sẽ đóng cửa một nhà máy sản xuất thiết bị gia dụng lớn tại Thái Lan vào mùa thu này và chuyển sang Việt Nam để đạt hiệu quả cao hơn.
Tương tự, Apple nhiều khả năng chuyển sản xuất AirPods sang Việt Nam. Theo nguồn tin của Nikkei, khoảng 3 tới 4 triệu máy – hay 30% tổng sản lượng AirPods trong quý II/2020 của Apple sẽ là “Made in Vietnam”.
Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, các tập đoàn quốc tế đẩy nhanh quá trình đa dạng hóa địa điểm đầu tư và tái định vị cơ sở sản xuất. Thực tế, các nhà đầu tư lớn đã liên tiếp đầu tư mở rộng và triển khai các dự án mới tại Việt Nam.
Việt Nam có nhiều cơ hội đón đầu dòng vốn đầu tư tái định vị sản xuất của các công ty đa quốc gia, là điểm đến tiềm năng trong chính sách đa dạng hóa nguồn cung ứng. Do đó, cần lựa chọn những dự án dịch chuyển thuộc các ngành có công nghệ tiên tiến, đổi mới sáng tạo, có giá trị gia tăng cao, năng lượng sạch.
Duy Lâm