Ngành dệt may có nguy cơ mất thêm việc làm thêm vì giảm đơn hàng

Do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, trong 6 tháng đầu năm, tình hình sản xuất, xuất khẩu ngành dệt may gặp nhiều khó khăn, bao gồm thiếu hụt nguồn nguyên liệu và đơn hàng xuất khẩu giảm mạnh do bị hoãn, hủy đơn hàng, giãn tiến độ giao hàng và chậm thanh toán.

Khoảng 50% số đơn hàng dệt may đã bị hủy trong tháng 5, kéo theo nguy cơ gia tăng thất nghiệp khi các thị trường xuất khẩu lớn vẫn chưa thể kiểm soát dịch Covid-19.

Lượng đơn hàng bị hủy, hoãn đều chủ yếu tập trung trong khoảng thời gian tháng 5, tháng 6, Bộ Công thương trong báo cáo mới nhất cho biết. Tính chung 6 tháng đầu năm 2020, ngành dệt may tăng 2,8% trong khi tốc độ của cùng kỳ năm ngoái là 11,5%. Sản xuất trang phục nửa đầu năm giảm 4,7% so với cùng kỳ năm 2019 (cùng kỳ tăng 8%).

Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) ước tính ngành dệt may có thể mất tới 50% đơn đặt hàng trong tháng 5. Bên cạnh đó, sự phục hồi của nguồn cung trong bối cảnh nhu cầu giảm có thể khiến giá sản phẩm dệt may trên toàn thế giới giảm 20%.

Đến nay, việc đứt gãy nguồn cung cơ bản được giải quyết thì xuất khẩu Việt Nam hiện đang phải đối mặt với việc đứt gãy cầu khi nhu cầu tiêu thụ sụt giảm do dịch Covid -19 đã lan rộng sang các nước châu Âu và Mỹ – những thị trường đối tác xuất khẩu lớn của Việt Nam.

Trong 6 tháng đầu năm, xuất khẩu xơ, sợi dệt các loại giảm 21,2% (cùng kỳ tăng 1,9%); vải mành, vải kỹ thuật giảm 39,6% (cùng kỳ tăng 17,1%); hàng dệt và may mặc giảm 15,5% (cùng kỳ tăng 10,4%).

Báo cáo mới nhất của Chương trình nghiên cứu chiến lược Mekong – Trung Quốc (MCSS) dẫn và tính toán số liệu điều tra của Tổng cục thống kê vào tháng 4 với 3.143 doanh nghiệp dệt may cho biết ngành may mặc có số lao động chỉ còn bằng 20% và doanh nghiệp dệt chỉ còn 24,5% số lao động so với cùng kỳ năm ngoái.

Trong số các lao động vẫn còn việc làm, 8,9% số lao động phải chấp nhận giảm lương, 18,7% số lao động hiện tại phải làm giãn việc hoặc nghỉ luân phiên, 6,1% số lao động phải nghỉ việc không lương. Tỷ lệ giãn việc và nghỉ việc không lương của ngành dệt còn cao hơn ngành may mặc (29,3% so với 7,5%).

TS. Phạm Sỹ Thành, Giám đốc MCSS, cho rằng các chính sách hỗ trợ ngành dệt may cần phải đúng lúc, đúng chỗ và đúng cách; bao gồm cần xác định rõ các đối tượng với những mức độ ưu tiên khác nhau, triển khai nhanh chóng và tính đến tính khả thi cho cộng đồng doanh nghiệp và người lao động.

Cụ thể, ông Thành khuyến nghị với các khoản thuế thu nhập doanh nghiệp, tiền thuê đất mà doanh nghiệp đã nộp cho năm 2019 nên được trừ vào các khoản phí cần đóng như bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, phí công đoàn của năm 2020 thay các khoản thuế phải nộp.

Bên cạnh đó, cho phép miễn đóng bảo hiểm xã hội cho toàn bộ doanh nghiệp từ 3 – 6 tháng đầu năm 2020, không khống chế tỷ lệ phần trăm lao động phải nghỉ việc.

Thảo Linh