Du lịch Tp.HCM – Lấy thị trường nội địa làm điểm tựa để khôi phục và phát triển
Ngày làm việc thứ ba, kỳ họp thứ 20 HĐND Tp.HCM khóa IX là phiên chất vấn và trả lời chất vấn của Sở Du lịch Tp.HCM. Trọng tâm của phiên chất vấn này xoay quanh sự sụt giảm của du lịch Thành phố và các biện pháp khôi phục ngành du lịch sau mùa dịch bệnh
Bà Nguyễn Thị Lệ – Chủ tịch HĐND Tp.HCM bày tỏ tin tưởng du lịch Thành phố sẽ phục hồi nhanh chóng sau dịch bệnh Covid-19 và dự báo đến năm 2021, Tp.HCM sẽ là điểm đến hấp dẫn đối với du khách quốc tế. Tuy nhiên “nút thắt” hiện nay là các sản phẩm du lịch của Tp.HCM vẫn chưa hấp dẫn du khách do còn đơn điệu, thiếu đặc trưng, chưa kết nối các sản phẩm với nhau cũng như chưa kết nối được làn sóng đầu tư nước ngoài vào du lịch.
Để tháo gỡ “nút thắt” này, du lịch Thành phố cần đưa ra những giải pháp cụ thể, mang tính chiến lược, hướng tới mục tiêu trước mắt là phục hồi 80% thị trường du lịch nội địa trong 6 tháng còn lại của năm 2020.
Còn đại biểu Nguyễn Mạnh Trí nêu nghi vấn: Liệu nhận định Tp.HCM chỉ là điểm trung chuyển khách du lịch do Thành phố không có loại hình du lịch đặc sắc có đúng không? Đặt trong tình huống xấu nhất đến hết năm 2020 dịch bệnh Covid-19 vẫn chưa được khống chế trên toàn thế giới, Việt Nam vẫn không thể mở cửa đón khách quốc tế, vậy ngành du lịch Thành phố có những giải pháp căn cơ nào để tăng trưởng mà vẫn đảm bảo an toàn cho du khách?
Cùng nỗi lo chung, đại biểu Nguyễn Thị Nga đặt câu hỏi: “Tỷ lệ khách nước ngoài quay lại Tp.HCM là bao nhiêu? Trong thời gian tới, định hướng các sản phẩm du lịch đặc trưng của Thành phố là như thế nào?”
Trả lời các băn khoăn của đại biểu HĐND, Giám đốc Sở Du Lịch Tp.HCM Bùi Tá Hoàng Vũ cho biết trong 6 tháng đầu năm 2020, du lịch Tp.HCM có sự sụt giảm nghiêm trọng (giảm 52% lượng khách quốc tế, giảm 46,9% doanh thu). Đây thực sự là giai đoạn hết sức gian nan của ngành Du lịch bởi đây vốn là ngành bị tác động đầu tiên nhưng lại được khôi phục sau cùng.
Để sớm phục hồi và phát triển, trong 2 quý còn lại của năm, Sở Du Lịch Tp.HCM tập trung triển khai các giải pháp vừa chống dịch, phòng dịch kết hợp phát triển du lịch. Ông Bùi Tá Hoàng Vũ cho rằng đến thời điểm hiện tại dịch bệnh vẫn đang diễn biến hết sức phức tạp trên phạm vi toàn cầu nên rất khó để mở cửa thị trường khách quốc tế trong năm 2020.
Trong bối cảnh đó, ngành du lịch Thành phố muốn khôi phục trở lại phải dựa vào thị trường nội địa; chú trọng thay đổi các phương thức xúc tiến, quảng bá giới thiệu về du lịch thành phố đối với du khách nội địa; chủ động kết nối với các đơn vị khác để thực hiện bộ tiêu chí an toàn cho du khách; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin tái cơ cấu các doanh nghiệp lữ hành để họ không ngưng hoạt động.
Bên cạnh đó là tổ chức liên kết hàng không, đường sắt, vận tải… để tung một gói kích cầu lớn gồm 280 tour đến Tp.HCM với mức giảm giá sâu tới 70%, lấy giá cả tạo sự quan tâm nhưng vẫn khẳng định chất lượng hàng đầu; chuẩn bị tổ chức Ngày hội du lịch Tp.HCM vào trung tuần tháng 7 với sự tham gia của 50 doanh nghiệp trong cả nước đến Thành phố chào bán tour du lịch nội địa; kết nối vùng, ký thỏa thuận hợp tác du lịch toàn diện với các địa phương Tây Nam Bộ, Đông Nam Bộ và các tỉnh thành khác có kèm nhiều kế hoạch hành động cụ thể để xây dựng các tour tuyến điểm liên vùng, liên tuyến.
Tại phiên chất vấn, vấn đề phát triển du lịch ở huyện Cần Giờ, du lịch đường thủy cũng được nhiều đại biểu đề cập. Cụ thể theo đại biểu Đỗ Hồng Phước, mặc dù là một địa phương có tiềm năng du lịch lớn, là lá phổi xanh của Tp.HCM song đến thời điểm hiện tại, phát triển du lịch Cần Giờ vẫn chỉ mang tính tự phát, quy mô nhỏ và thiếu sự chuyên nghiệp.
Đối với phát triển du lịch đường sông, đại biểu Trần Quang Thắng đặt vấn đề: “Chúng ta xây dựng đề án kè bờ sông, phát triển dịch vụ kè bờ sông đến năm 2045, vậy chiến lược phát triển giai đoạn trước mắt như thế nào?”. Còn theo đại biểu Cao Thanh Bình, Tp.HCM sở hữu tiềm năng lớn trong phát triển du lịch đường thủy song đến nay lợi thế này vẫn chưa được khai thác hiệu quả.
Trả lời chất vấn, ông Bùi Tá Hoàng Vũ cho biết thời gian qua phát triển du lịch đường thủy Tp.HCM đối mặt với không ít thách thức. Riêng lĩnh vực tàu biển đón tới 450.000 lượt khách/năm song hiện nay đang gặp khó khăn do thiếu bến cảng neo đậu. Kể từ khi Thành phố thực hiện tuyến buýt đường sông hoạt động tầm ngắn và dài sang tận Campuchia, du lịch thủy nội địa mới bắt đầu có dấu hiệu khởi sắc. Tuy nhiên phải cần thêm 3-5 năm, du lịch đường thủy của Thành phố mới phát triển khi có hệ thống cầu cảng, bến bãi đầy đủ.
Ngọc Đỉnh