Việt Nam tăng xuất khẩu rau quả ở các thị trường khó tính

Theo thông tin từ Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn), Sản lượng rau quả Việt Nam xuất khẩu đi các thị trường khó tính tăng mạnh trong 6 tháng đầu năm nay bất chấp ảnh hưởng của dịch Covid-19. Tổng giá trị xuất khẩu rau quả 6 tháng đầu năm nay đạt 1,79 tỉ USD.

Vải thiều tươi xuất khẩu thành công vào thị trường Nhật Bản tạo cú hích cho nông sản Việt đến với các thị trường khó tính trên thế giới.

Trung Quốc đứng vị trí thứ nhất về thị trường nhập khẩu rau quả của Việt Nam. Trong 5 tháng đầu năm nay, xuất khẩu rau quả sang thị trường Trung Quốc đạt 906,1 triệu USD, giảm 29,1% về giá trị so với cùng kỳ năm 2019 (đạt 1,3 tỉ USD). Nguyên nhân là do ảnh hưởng của dịch Covid-19 khiến tốc độ xuất khẩu hàng hóa chậm lại, do áp dụng chặt chẽ các biện pháp kiểm soát phòng dịch.

Đáng chú ý, sản lượng và giá trị xuất khẩu rau quả đến các thị trường khó tính trong 6 tháng đầu năm đều tăng. Cụ thể, xuất khẩu sang Hàn Quốc đạt 67,4 triệu USD, tăng 21,8% so với cùng kỳ năm ngoái; Nhật Bản đạt 57,7 triệu USD, tăng 15,5% so với cùng kỳ năm ngoái; Mỹ đạt 62 triệu USD, tăng 6,1% so với cùng kỳ năm ngoái; Hà Lan đạt 34 triệu USD, tăng 9% so với cùng kỳ năm ngoái. ũng theo đánh giá của Cục Chế biến và phát triển thị trường nông sản, quả vải thiều tươi xuất khẩu Nhật Bản là thành công khởi đầu có ý nghĩa đặc biệt quan trọng. Điều này khẳng định, nông dân, doanh nghiệp Việt Nam hoàn toàn có thể sản xuất được những nông sản chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu khắt khe của những thị trường khó tính.

Đối với riêng thị trường Nhật Bản, dù chịu nhiều tác động tiêu cực từ đại dịch Covid-19 nhưng nước này vẫn đẩy mạnh nhập khẩu nhiều chủng loại trái cây, rau củ từ Việt Nam như chuối, thanh long, vải, khoai lang…

Hàng năm, doanh nghiệp nhập khẩu của Nhật Bản thường nhập khẩu lượng lớn trái cây như chuối, vải do người tiêu dùng Nhật rất ưa chuộng loại trái cây này. Dự báo đây cũng là những mặt hàng có tiềm năng xuất khẩu cao của Việt Nam sang thị trường Nhật.

Tùng Lâm