Chuyên gia quốc tế khuyến cáo Việt Nam cần thận trọng khi mở cửa trở lại
Ngày 30/6, Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus Corona (SARS-CoV-2) gây ra đã họp với đại diện Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tại Việt Nam và một số tổ chức quốc tế về công tác phòng, chống dịch bệnh trong thời gian tới.
Tại cuộc họp đại diện WHO và các tổ chức quốc tế đánh giá cao công tác phòng, chống dịch bệnh của Việt Nam thời gian qua, cũng như những nỗ lực của các nhà khoa học Việt Nam trong việc nghiên cứu, sản xuất trang thiết bị, sinh phẩm y tế phục vụ phòng, chống dịch bệnh.
Nhấn mạnh tình hình dịch bệnh COVID-19 trên thế giới đang diễn biến hết sức phức tạp, hiện chưa có thuốc đặc trị căn bệnh này, các chuyên gia quốc tế đã trao đổi một số thông tin liên quan đến tình hình dịch bệnh và công tác phòng, chống COVID-19 trong thời gian tới. Tình hình nghiên cứu sản xuất vaccine. Căn cứ để các quốc gia xem xét quyết định việc mở cửa trở lại đường biên giới và nối lại các chuyến bay quốc tế với một số quốc gia, vùng lãnh thổ đã kiểm soát được dịch bệnh.
Theo các chuyên gia, dịch bệnh COVID-19 đã gây sức ép rất lớn đến sức chịu đựng của nền kinh tế nhiều quốc gia cũng như trên thế giới. Gần đây một số nước đã tính toán đến việc mở cửa trở lại đường biên giới, nối lại đường bay quốc tế để phục hồi kinh tế. Tuy nhiên, dịch bệnh COVID-19 còn kéo dài, các nước hết sức cân nhắc khi xem xét, quyết định vấn đề này.
TS. Kidong Park, Giám đốc WHO tại Việt Nam cho biết, cách đây 2 tháng WHO đã có cuộc họp về vấn đề mở cửa biên giới và nối lại các chuyến bay quốc tế. Theo đó, để quyết định việc này, các quốc gia cần căn cứ trên 3 yếu tố: Trước hết là dịch bệnh đã được kiểm soát hay chưa (ở cả hai đầu chuyến bay đi – đến); hệ thống y tế có khả năng ứng phó với việc gia tăng ca bệnh khi mở lại đường biên và nối lại các chuyến bay quốc tế hay không? Hệ thống giám sát có khả năng phát hiện, truy vết, quản lý các ca bệnh xâm nhập hay không?
Sau cuộc họp này, nhóm kỹ thuật của WHO đã xây dựng một văn bản hướng dẫn tạm thời để các quốc gia, vùng lãnh thổ cân nhắc trong việc mở cửa lại đường biên, nối lại các đường bay quốc tế. Trong văn bản này, WHO bổ sung thêm 2 căn cứ: Việc mở cửa phải dựa trên năng lực giám sát tại cửa khẩu; chỉ ưu tiên những hoạt động đi lại thực sự cần thiết.
Tại cuộc họp, một số chuyên gia quốc tế nhấn mạnh rằng: Một quốc gia kiểm soát được dịch bệnh khi trong 30 ngày liên tiếp không có ca bệnh xuất hiện tại cộng đồng. Theo tiêu chí này, hiện rất ít quốc gia được coi là đã kiểm soát được dịch bệnh (trừ một số nước quốc đảo và một số nước châu Á)…
Tiếp tục nhấn mạnh thông điệp dịch bệnh còn diễn biến hết sức phức tạp và kéo dài, do đó các chuyên gia quốc tế khuyến cáo khi xem xét quyết định mở cửa đường biên giới hay nối lại các đường bay quốc tế, các nước cần phải hết sức thận trọng.
Đặc biệt, phải cân nhắc đến phản ứng của dân chúng (người dân trong nước có sẵn sàng chấp nhận rủi ro không?); năng lực ứng phó của hệ thống y tế; khả năng chịu đựng của nền kinh tế;… Các chuyên gia lưu ý phải đầu tư tối đa cho hệ thống y tế để nâng cao khả năng sẵn sàng ứng phó; đồng thời cần có đối thoại song phương với quốc gia xem xét mở cửa trở lại biên giới và nối lại đường bay và nên xem xét mở cửa biên giới từ từ, từng bước, thận trọng;…
Về công tác phòng, chống dịch bệnh trong thời gian tới, các chuyên gia cho rằng, ngành y tế Việt Nam cần tiếp tục nâng cao năng lực xét nghiệm, bởi đây là yếu tố then chốt để ngăn ngừa đại dịch; đồng thời cần tiếp tục làm tốt công tác truyền thông để người dân sẵn sàng ứng phó với làn sóng mới…
Đại diện các tổ chức quốc tế cũng cam kết sẽ nỗ lực hết sức phối hợp với Việt Nam trong phòng, chống đại dịch COVID-19, mong muốn Việt Nam chia sẻ và hợp tác trong nghiên cứu sản xuất vaccine phòng ngừa virus SARS-CoV-2.
Đại diện WHO cho biết, hiện trên thế giới đã hình thành Liên minh nghiên cứu vaccine. Liên minh này rất muốn mời Việt Nam tham gia nghiên cứu, sản xuất. Việc tham gia liên minh là điều kiện quan trọng để người dân có thể tiếp cận được vaccine trong thời gian sớm nhất có thể (khoảng cuối năm 2021).
Liên quan đến vấn đề này, GS.TS Nguyễn Thanh Long, Thứ trưởng Bộ Y tế cho biết, Việt Nam có 2 đơn vị đang nghiên cứu sản xuất vaccine phòng, chống COVID-19. Hiện đã tiến hành thử nghiệm trên chuột, chất lượng đạt được khá tốt, thời gian tới sẽ thử nghiệm trên linh trưởng và sau đó thử nghiệm trên người;…
Nhấn mạnh với tinh thần tự lực, thời gian qua Việt Nam không chỉ sản xuất được sinh phẩm xét nghiệm virus SARS-CoV-2, máy thở 100% made in Vietnam đã xuất khẩu đi nhiều nước,… Hiện Việt Nam đang tập trung nghiên cứu, sản xuất vaccine, GS.TS Nguyễn Thanh Long bày tỏ mong muốn tiếp tục được WHO và các tổ chức quốc tế cùng hợp tác, chia sẻ để đẩy nhanh quá trình này.
Phát biểu tại cuộc họp, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh, Việt Nam luôn xác định phòng, chống đại dịch COVID-19 là công việc chung của toàn thế giới. Việt Nam sẵn sàng đồng hành, đóng góp cùng thế giới trong phòng, chống dịch bệnh.
Hiện Việt Nam đã làm chủ công nghệ sản xuất 4 loại sinh phẩm xét nghiệm (kit thử). Trong số này có những loại kit thử rất tốt, độ nhạy, độ đặc hiệu rất cao, giá thành rẻ hơn nhiều so với các loại đang bán trên thị trường thế giới, đặc biệt công nghệ xét nghiệm đơn giản mà nhiều nước không có. Phó Thủ tướng mong muốn WHO và các tổ chức quốc tế hợp tác, giúp Việt Nam kết nối, chia sẻ, phổ biến các sản phẩm này với các quốc gia trên thế giới để cùng nhau đẩy lùi dịch bệnh COVID-19.
Huỳnh Danh