Khi Việt Nam trở thành điểm “quá cảnh” của trái cây Thái Lan
Vài năm trở lại đây, kim ngạch nhập khẩu trái cây Thái Lan của Việt Nam có sự gia tăng mạnh. Tuy nhiên vấn đề bất cập là phần lớn trái cây nhập khẩu từ Thái Lan đều là hàng tạm nhập tái xuất. Thực trạng này gióng lên hồi chuông báo động rằng Việt Nam đang đi xuất khẩu “giùm” trái cây cho Thái Lan.
Thống kê của Cục Chế biến&Phát triển thị trường nông sản (Bộ Nông nghiệp&Phát triển nông thôn) cho thấy kim ngạch nhập khẩu rau quả của Việt Nam trong tháng 6/2018 đạt 152 triệu USD, đưa tổng giá trị nhập khẩu 6 tháng đầu năm đạt khoảng 745 triệu USD, tăng 18,5% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó Thái Lan giữ vị thế áp đảo khi chiếm đến 45,7% tổng lượng trái cây nhập khẩu, tiếp theo sau là Trung Quốc với 9,1%, còn lại là các thị trường khác. Theo dự báo của các chuyên gia, với đà tăng trưởng như hiện nay, chỉ một thời gian ngắn nữa nhập khẩu trái cây từ Thái Lan có thể chạm đỉnh 1 tỷ USD; tuy nhiên điều đáng quan ngại là hiện có đến 90% lượng trái cây nhập khẩu từ quốc gia này là hàng tạm nhập tái xuất.
Kiểm soát chặt lượng trái cây nhập khẩu
Đơn cử như mặt hàng sầu riêng. Trong vài năm trở lại đây lượng xuất khẩu sầu riêng của Thái Lan tăng với tốc độ chóng mặt, tuy nhiên có đến 80 – 85% sầu riêng Thái Lan “cập bến” Việt Nam rồi tiếp tục xuất khẩu sang Trung Quốc. Theo tờ Neikei Asian Review (Nhật Bản), trong 5 năm gần đây lượng tiêu thụ sầu riêng nội địa của đất nước Thái Lan đã giảm đáng kể, hơn 40%, từ 180.000 tấn xuống 100.000 tấn; trong khi đó sản lượng sầu riêng xuất khẩu lại tăng vọt đến chóng mặt, từ 380.000 tấn lên 500.000 tấn, nhiều nhất là xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc (chiếm 80 – 90% tổng xuất khẩu sầu riêng của Thái Lan năm 2016). Cũng do nhu cầu về sầu riêng từ Trung Quốc quá lớn khiến cho doanh số bán nội địa của nước này giảm mạnh.
Tuy nhiên bước sang năm 2017 đã có chuyển biến lớn khi Việt Nam vượt qua Trung Quốc trở thành nước nhập khẩu sầu riêng Thái Lan nhiều nhất. Cụ thể lượng sầu riêng Việt Nam nhập khẩu từ Thái Lan đã tăng lên gấp 3 lần, đạt 256.000 tấn; con số này cũng tăng gấp 26 lần so với 3 năm trước đây. Trong khi đó nhập khẩu sầu riêng Thái Lan tại Trung Quốc và Hồng Kông lại giảm mạnh gần 30%. Tuy nhiên theo thống kê của Hiệp hội Xuất khẩu Chanthaburi, có đến 80 – 85% lượng sầu riêng Thái Lan vận chuyển vào Việt Nam được tái xuất sang Trung Quốc. Trong một cuộc họp báo mới đây của Bộ Nông nghiệp&Phát triển nông thôn, ông Hoàng Trung – Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật cũng đã khẳng định hiện nay 90% trái cây Thái Lan nhập vào Việt Nam chỉ là tạm nhập tái xuất.
Ông Nguyễn Việt Hùng – Trưởng phòng quản lý vận hành Cơ chế một cửa quốc gia và ASEAN (Tổng cục Hải quan) cho biết pháp luật Việt Nam không cấm doanh nghiệp tạm nhập, tái xuất hàng hóa. Từ vài năm trước trái cây Thái Lan đã được xuất khẩu sang Trung Quốc theo hình thức “quá cảnh” tại Việt Nam, tuy nhiên thời gian gần đây xu hướng này phổ biến hơn và ngày càng phát triển mạnh mẽ. Ông Hùng thông tin trong năm 2017 đã có 0,9 tỷ USD hoa quả xuất khẩu có xuất xứ từ Thái Lan được doanh nghiệp nhập khẩu vào Việt Nam (chiếm 1/4 tổng trị giá xuất khẩu hoa quả), sau đó tái xuất sang thị trường Trung Quốc qua các cửa khẩu biên giới phía Bắc.
Đồng quan điểm với ông Hùng, chuyên gia nông nghiệp Hoàng Trọng Thủy cho rằng doanh nghiệp hoàn toàn có quyền tạm nhập, tái xuất mặt hàng trái cây nếu phương thức này mang lại lợi nhuận cho họ. Tuy nhiên bất cập ở đây là nếu tính cả lượng trái cây Thái Lan tạm nhập vào Việt Nam trước khi xuất sang Trung Quốc vào kim ngạch xuất khẩu rau, quả nói chung của Việt Nam sẽ dẫn tới nhiều hệ luỵ, điển hình như: làm “lệch” công tác dự báo; ảnh hưởng đến công tác quy hoạch, phát triển sản xuất trong nước; nguy cơ phát triển sản xuất tràn lan… “Con số 0,9 tỷ USD trong tổng kim ngạch xuất khẩu rau quả năm 2017 của Việt Nam không hề nhỏ chút nào, tuy nhiên ít ai ngờ rằng đó lại là con số nước ta đi xuất khẩu trái cây “giùm” Thái Lan” – ông Thuỷ nhấn mạnh.
Theo : Song Thanh