RCEP và kỳ vọng mang lại cục diện mới, kết cấu mới cho thương mại khu vực và quốc tế
Theo chương trình nghị sự ASEAN, Hội nghị giữa kỳ của Bộ trưởng kinh tế các nước đàm phán Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) lần thứ 10 được tổ chức theo hình thức trực tuyến tại Hà Nội. Hội nghị do Bộ Công Thương Việt Nam chủ trì, được kỳ vọng sẽ mang lại cục diện mới, kết cấu mới cho thương mại khu vực ASEAN cũng như quốc tế.
Hiệp định RCEP được khởi động vào tháng 5/2013 tại Phnom Penh (Campuchia) như một sáng kiến của ASEAN nhằm khuyến khích thương mại giữa 10 quốc gia thành viên và 6 quốc gia đối tác (Australia, Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản, New Zealand, Hàn Quốc) đều đã có các hiệp định thương mại tự do độc lập với ASEAN. Việc cùng tham gia RCEP góp phần thúc đẩy thương mại trong toàn nhóm bằng cách giảm thuế, chuẩn hóa các quy tắc và thủ tục hải quan và mở rộng tiếp cận thị trường, nhất là giữa các quốc gia không có thỏa thuận thương mại hiện có. Tuy nhiên tại Hội nghị Thượng đỉnh RCEP lần thứ 3 được tổ chức vào tháng 11/2019 ở Thái Lan, Ấn Độ đã chính thức rút khỏi RCEP do áp lực chính trị trong nước và các cuộc tuần hành chống lại thỏa thuận.
Hiện RCEP chiếm khoảng 30% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) toàn cầu và một tỷ lệ tương đương về dân số. Bất chấp việc không có Ấn Độ, 15 quốc gia RCEP (RCEP15) vẫn là Hiệp định thương mại tự do (FTA) lớn nhất thế giới và tác động của nó vượt ra khỏi tầm khu vực. Theo các chuyên gia, RCEP có tiềm năng đóng vai trò là người thiết lập tiêu chuẩn thương mại khu vực vì các quy tắc mà hiệp định này giải quyết có thể sẽ trở thành ngưỡng chuẩn và tiền lệ pháp lý cho các thỏa thuận thương mại trong tương lai ở châu Á và hơn thế nữa. Điều này đặc biệt xảy ra khi RCEP có cơ chế mở để các thành viên mới trên toàn cầu có thể tham gia. Mặc dù sự vắng mặt của Ấn Độ sẽ làm giảm lợi ích kinh tế của RCEP song phân tích kinh tế theo mô hình cân bằng tổng thể chung (GTAP) tiên tiến và giả định loại bỏ thuế quan hoàn toàn cho thấy tác động bất lợi của việc thiếu vắng Ấn Độ không quá cao và có thể kiểm soát được – ngoại trừ Ấn Độ.
Khi được thực thi, RCEP sẽ mang lại lợi ích kinh tế đáng kể cho tất cả 15 nước thành viên. Theo ước tính, tăng trưởng GDP của 15 nước thành viên sẽ đạt 137 tỷ USD, khoảng 80% con số kỳ vọng khi khối có đủ 16 thành viên ban đầu là 171 tỷ USD. Ngoài lợi ích kinh tế, RCEP còn góp phần đem lại sự thịnh vượng chung và an ninh chính trị ở châu Á-Thái Bình Dương bằng cách xây dựng sự chắc chắn và tin cậy chính trị, khiến châu Á thành nền kinh tế năng động, cởi mở, thu hết thêm nhiều thành viên tham gia, cùng hướng tới mục tiêu chung là thúc đẩy sự phát triển chung của khu vực.
Có vị thế quan trọng trong RCEP nên Ấn Độ đứng ngoài Hiệp định đồng nghĩa với việc các nước còn lại mất đồng thời cả cơ hội tiếp cận thị trường ưu đãi lẫn cạnh tranh xuất khẩu với Ấn Độ. Có thể các quốc gia RCEP có đặc điểm xuất khẩu tương tự Ấn Độ (Campuchia, Brunei, New Zealand, Myanmar) sẽ thấy tốt hơn nếu không có Ấn Độ, tuy nhiên đối với những nước chủ yếu coi Ấn Độ là thị trường xuất khẩu quan trọng chứ không phải là đối thủ xuất khẩu (Hàn Quốc, Thái Lan, Indonesia, Việt Nam) thì sự rút lui của Ấn Độ đồng nghĩa với sự cắt giảm lợi ích kinh tế tương ứng. Điều đó cũng nói lên rằng trên thực tế Ấn Độ cũng sẽ vụt mất nhiều lợi ích kinh tế nếu đứng ngoài khối thương mại này. Đặc biệt việc Ấn Độ không nằm trong hai cấu trúc thương mại lớn của khu vực là RCEP và Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) cũng sẽ khiến nước này khó đạt được tham vọng trở thành trung tâm sản xuất hay cường quốc toàn cầu, đồng thời cũng tạo ra thách thức lớn trong việc duy trì sự can dự của các nước lớn và thúc đẩy tự do thương mại, cũng như chủ nghĩa đa phương của khu vực.
Ngoài những con số, việc hoàn tất của các cuộc đàm phán RCEP đã diễn ra trong một thời điểm quan trọng đối với quản trị kinh tế toàn cầu. RCEP sẽ mang mại một sự thúc đẩy kịp thời cho chủ nghĩa đa phương, vốn đang rút lui ở các khu vực khác trên thế giới, nơi các chính phủ trở lại các chính sách dân tộc và đôi khi là đơn phương. Ngay khi Mỹ dựng lên các bức tường thuế quan và làm suy yếu chức năng của hệ thống thương mại toàn cầu, các nước châu Á bằng cách hình thành một RCEP lớn và tiêu chuẩn cao, báo hiệu quyết tâm tập thể để duy trì chủ nghĩa đa phương phù hợp dựa trên các quy tắc, tự do, và trật tự kinh tế quốc tế hợp tác.
Với việc hoàn tất RCEP và thực thi Hiệp định CPTPP tại các quốc gia đã phê chuẩn, hiện khu vực châu Á có thể khai thác hai FTA lớn này để thúc đẩy hội nhập sâu rộng trong khu vực. Trong đó 7 quốc gia gồm: Nhật Bản, Australia, New Zealand, Brunei, Malaysia, Singapore, Việt Nam đều là thành viên của cả CPTPP lẫn RCEP càng tạo nền tảng vững chắc cho sự hội tụ có trật tự giữa CPTPP và RCEP khi có ý chí chính trị. Điều này cũng góp phần củng cố vai trò trung tâm của ASEAN, đồng thời đặt nền tảng cho việc thành lập Khu vực thương mại tự do thực sự bao gồm châu Á-Thái Bình Dương, một mục tiêu lâu dài và đầy khát vọng của chủ nghĩa khu vực kinh tế châu Á.
Trân Nguyễn