Kinh nghiệm phát triển sản xuất hữu cơ tại Thuỵ Sĩ

Tiên phong phát triển sản xuất sản phẩm hữu cơ hơn 100 năm nay, Thuỵ Sĩ cũng đồng thời là quốc gia đứng đầu thế giới về mức tiêu dùng sản phẩm này.

Trong bối cảnh các hoá chất nguy hại đang trở thành hiểm hoạ đối với toàn nhân loại thì kinh nghiệm hơn 100 năm phát triển sản phẩm hữu cơ của nhóm sản xuất hữu cơ tại Thuỵ Sĩ là vô cùng quý giá và rất đáng để tham khảo. Trong đó có nhiều bài học về vai trò nổi bật của các tổ chức phi lợi nhuận – NGO trong việc xây dựng tiêu chuẩn hàng hoá, kiểm định và hệ thống chứng nhận…

Ông Daniel Bartschi, CEO Bio Suisse – một tổ chức NGO của Thuỵ Sĩ cho biết trong phát triển sản xuất hữu cơ, Thuỵ Sĩ coi trọng phương pháp từ dưới lên, bắt đầu từ nhận thức và sự tự nguyện của người dân. Chính phủ không bắt ép người dân sản xuất hữu cơ mà chú trọng tuyên truyền, giáo dục, giúp mọi người hiểu được vai trò, tầm quan trọng của sản phẩm hữu cơ đối với cuộc sống để từ đó tự giác cùng phát triển. Tất cả mọi người đều có thể tham gia hoạt động sản xuất, hướng tới mục tiêu nâng cao giá trị gia tăng của sản phẩm hữu cơ. Về phía các tổ chức Chính phủ, tổ chức chứng nhận, nhà sản xuất, người tiêu dùng cũng đều có chung nhận thức này và cùng chung tay góp sức phát triển sản phẩm hữu cơ theo hướng bền vững và hiệu quả. “Kinh nghiệm của BIO Suisse, để gia tăng giá trị cho sản phẩm hữu cơ cần có sự kết hợp hài hoà giữa một bên là các nhà nghiên cứu tiêu chuẩn và một bên là các nhà sản xuất ứng dụng các tiêu chuẩn này. Vấn đề cốt lõi là làm sao để các thành phần trong chuỗi giá trị cùng hợp tác, cùng sẻ chia với nhau để gia tăng giá trị” – ông Daniel Bartschi cho hay.

Cũng theo CEO Bio Suisse, Thuỵ Sĩ rất khắt khe đối với vấn đề tiêu chuẩn và thực hiện đánh giá tiêu chuẩn dựa vào yếu tố chất lượng. Không giống với các quốc gia châu Âu khác thường yếu tố miễn trừ, tại Thuỵ Sĩ hệ thống quản lý chất lượng, tiêu chuẩn nghiêm ngặt hơn rất nhiều. Tuỳ từng đối tượng, từng quy trình sản xuất sẽ có những quy định về hệ thống tiêu chuẩn khác nhau. Nhà sản xuất, nhà chế biến, nhà kinh doanh thuộc nhóm nào đều có tiêu chuẩn của riêng nhóm đó.

Hiện tại, Thuỵ Sĩ có 7.000 nhà sản xuất là thành viên được dán nhãn BIO Suisse, họ tiếp cận toàn bộ chuỗi giá trị từ sản xuất tới người tiêu dùng, từ trang trại cho tới bàn ăn. Không chỉ áp dụng với các doanh nghiệp trong nước, hệ thống tiêu chuẩn này còn được áp dụng với bất kỳ nhà sản xuất nào khi họ xuất hàng vào Thuỵ Sĩ. “Thuỵ Sĩ có 32 tổ chức của nhà sản xuất hữu cơ, các tiêu chuẩn có vai trò quy định quy tắc hành xử, cách thức thu hút chú ý vào nhãn hàng hữu cơ. Tuy nhiên điều quan trọng hơn cả là làm sao để người sản xuất thấy được vai trò, tầm quan trọng của hệ thống tiêu chuẩn cũng như hỗ trợ họ thực hiện các tiêu chuẩn này”, ông Christian Voegeli – người điều phối các hoạt động quản lý sản xuất hữu cơ của BIO Suisse nhấn mạnh.

Một cuộc khảo sát người tiêu dùng về mức độ yêu thích các nhãn hàng ở Thuỵ Sĩ cho thấy, giữa các sản phẩm được chứng nhận tiêu chuẩn và các nhóm sản xuất có trách nhiệm, người tiêu dùng vẫn tín nhiệm nhóm sản phẩm được chứng nhận tiêu chuẩn hơn.

Về phía Chính phủ Thuỵ Sĩ, đổi lại sự thờ ơ của 50 năm trước, nay họ đã thừa nhận hệ thống quy định chuẩn mực từ các tổ chức tư nhân và luật hoá các quy định này. Hiện nay các tổ chức quản lý tiêu chuẩn, chứng nhận (các tổ chức phi chính phủ, phi lợi nhuận) được đặt vào vị trí trung tâm của tam giác động lực gồm: luật lệ và cơ quan chính phủ – những tổ chức hội đoàn – các doanh nghiệp và thị trường.

Theo : Nguyễn Cường