EVN: Tiêu thụ điện tăng vọt là do thời tiết nắng nóng kéo dài
Những ngày qua, nhiều khách hàng phản ánh về hóa đơn tiền điện tăng đột biến so với những tháng trước đó và có ý nghi ngờ về độ chuẩn xác của công tơ điện cũng như ghi chỉ số điện. Trước các phản ánh trên, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã có thông tin gửi tới báo chí lý giải về tình hình tiêu thụ điện tăng cao của khách hàng.
Cụ thể EVN cho biết những ngày qua thời tiết nắng nóng kéo dài, nhất là đợt nóng ở Bắc bộ và Trung bộ là đợt nóng kéo dài kỷ lục trong 27 năm qua. Thời tiết nóng nực, bức bối khiến khách hàng phải sử dụng nhiều thiết bị làm mát, dẫn đến lượng điện tiêu thụ tăng cao.
Thường ở thời điểm khu vực miền Nam bước vào mùa khô; miền Bắc và miền Trung bước vào mùa nắng nóng, nhu cầu sử dụng điện cho việc làm mát cũng tăng cao và đây chính là nguyên nhân khiến hóa đơn tiền điện của các hộ gia đình tăng bất thường.
Theo thống kê, có tới hơn hơn 3,1 triệu khách hàng trên tổng số 26 triệu khách hàng sử dụng điện sinh hoạt trên cả nước (tương đương khoảng 11,92%) có mức tiêu thụ điện của tháng 5 cao hơn 30% so với tháng 4/2020. Đặc biệt trong số này có tới gần 1 triệu khách hàng có mức tiêu thụ điện tăng 50%, thậm chí có tới hơn 215.000 khách hàng có mức tiêu thụ điện tăng trên 300% so với tháng 4 trước đó.
Theo EVN, một điều dễ nhận thấy là lượng tiêu thụ điện của các hộ gia đình có sử dụng máy lạnh, điều hòa nhiệt độ mới có sự gia tăng rõ rệt còn với các hộ không sử dụng máy lạnh thì hóa đơn tiền điện hầu như không thay đổi nhiều. Khi nhiệt độ ngoài trời tăng thêm 1 độ C thì lượng điện tiêu thụ của điều hòa tăng từ 2-3%.
Chính vì vậy dù thời gian sử dụng điều hòa không thay đổi nhưng khi nhiệt độ môi trường tăng và nhiệt độ trong phòng vẫn đặt ở mức không thay đổi thì lượng điện tiêu thụ của điều hòa vẫn tăng lên rất nhiều.
Xoay quanh nghi ngờ của khách hàng về độ chuẩn xác của công tơ điện và ghi chỉ số điện, EVN cho biết các công tơ/điện kế đo lường lượng điện năng tiêu thụ khi được lắp đặt đều được kiểm định đạt tiêu chuẩn theo quy định tại Thông tư số 07/2019/TT BKHCN ngày 26/7/2019.
Các công tơ đến hạn kiểm định sẽ được các đơn vị của ngành Điện thực hiện thay thế định kỳ bằng công tơ đã được kiểm định cho khách hàng. Tất cả các công tơ điện tử đều thu thập chỉ số tiêu thụ điện theo cơ chế tự động và thực hiện từ xa.
Đối với công tơ cơ khí được áp dụng việc ghi chỉ số bằng phần mềm máy tính bảng có tính năng cảnh báo vượt sản lượng, phát hiện số liệu bất thường để nhân viên ghi chỉ số thực hiện kiểm tra, đảm bảo hạn chế tối đa việc xảy ra sai sót. Khách hàng có quyền giám sát việc ghi chỉ số công tơ.
Lịch ghi chỉ số công tơ được quy định trong hợp đồng mua bán điện và được các đơn vị điện lực công khai, đảm bảo khách hàng biết, kiểm tra chỉ số công tơ và sản lượng điện tiêu thụ. Bất cứ khách hàng nào phản ánh về tình trạng hoá đơn tiền điện tăng đột biến, để minh bạch, các đơn vị điện lực của EVN sẽ mang từng công tơ đi kiểm định.
Ân Thuyên