Ngành điều nắm bắt cơ hội từ Hiệp định EVFTA
Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam-EU (EVFTA) đã được Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV phê chuẩn và chính thức có hiệu lực kể từ ngày 1/8/2020. Với Hiệp định này, ngành điều kỳ vọng sẽ là một trong những ngành được hưởng lợi khi có thể tham gia sâu vào chuỗi cung ứng toàn cầu và nâng cao kim ngạch xuất khẩu sang thị trường EU.
Ông Đặng Hoàng Giang – Phó Chủ tịch Hiệp hội Điều Việt Nam (VINACAS) cho biết từ đầu năm đến nay, trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 tác động không nhỏ đến nền kinh tế trong nước cũng như thế giới song xuất khẩu nhân điều vẫn tăng trưởng khá tốt. Trong 5 tháng đầu năm 2020, Mỹ, EU, Trung Quốc vẫn duy trì là 3 thị trường nhập khẩu điều lớn nhất của Việt Nam.
Tính chung 5 tháng đầu năm, xuất khẩu hạt điều đạt 190.000 tấn, trị giá 1,27 tỷ USD, tăng 19,23% về lượng và tăng 3,07% về trị giá so với cùng kỳ năm 2019. Những con số ấn tượng này đã góp phần đưa Việt Nam trở thành điểm sáng nhất của ngành điều thế giới và là trung tâm chế biến, xuất khẩu điều hàng đầu thế giới, vượt qua cả Ấn Độ, các quốc gia châu Phi và Braxin.
Cũng theo ông Giang, trong năm 2020 này, tổng nguồn cung điều thô dự kiến vào khoảng gần 4 triệu tấn. Từ đầu năm đến nay, Ấn Độ đình trệ sản xuất do ảnh hưởng nặng bởi Covid-19 nên giảm nhập khẩu. Trong khi đó Việt Nam cũng khởi động sản xuất vụ mới chậm, nhiều cơ sở sản xuất tạm đóng cửa nên năm nay sẽ không thiếu nguyên liệu.
Do ảnh hưởng của dịch bệnh nên từ đầu tháng 6/2020 đến nay, nhu cầu nhập khẩu hạt điều có xu hướng giảm. Tại thị trường Mỹ và EU, nhiều nhà nhập khẩu đang xin chậm giao hàng.
“Tuy nhiên ở thời điểm hiện tại, nguồn hạt điều thô từ Tây Phi không nhiều, dự trữ hạt điều thô sẽ rất hạn chế ở khu vực châu Á trong những tháng tới và nguồn cung hạt nhân xuất khẩu sẽ giảm. Chính vì vậy trong trung hạn, nhu cầu thị trường vẫn sẽ tăng ngay cả khi dịch Covid-19 tác động đến các nền kinh tế và tiêu dùng.
Đặc biệt việc Hiệp định EVFTA chính thức có hiệu lực kể từ ngày 1/8/2020 sẽ góp phần nâng cao kim ngạch thương mại song phương và ngành điều sẽ là một trong những ngành được hưởng lợi khi có thể tham gia sâu vào chuỗi cung ứng toàn cầu, từng nước gia tăng kim ngạch xuất khẩu vào EU” – Phó Chủ tịch VINACAS nhấn mạnh.
Ở góc độ doanh nghiệp, ông Phùng Văn Sâm – Chủ tịch HĐQT Công ty CP Hanfimex Việt Nam cho biết EU là thị trường lớn rất tiềm năng của Hanfimex Việt Nam. Với Hiệp định EVFTA, các doanh nghiệp sẽ có cơ hội nâng cao kim ngạch xuất khẩu tại thị trường khổng lồ này, nhất là các doanh nghiệp đầu tư máy móc – dây chuyền công nghệ bài bản, sản phẩm đảm bảo chất lượng và an toàn vệ sinh thực phẩm.
Về phía Hanfimex Việt Nam cũng đã chuẩn bị đầy đủ các yêu cầu về tiêu chuẩn, cơ sở năng lực (tài chính, nguồn nhân lực, nhà máy, công nghệ) để xuất khẩu vào EU. Theo đó các nhà máy của Hanfimex đều đang sử dụng dây chuyền sản xuất khép kín với công nghệ hiện đại nhất của Đức, Hà Lan và sắp tới đây, Công ty cũng sẽ khánh thành một nhà máy chế biến tại Bình Phước với công suất 120 tấn/ngày.
Cùng với hệ thống máy móc – dây chuyền công nghệ hiện đại, Hanfimex Việt Nam cũng đã đạt được các chứng nhận BRC, Kosher, Haacp, Iso. Về nguyên liệu, Công ty đã quy hoạch vùng nguyên liệu sạch để có thể truy xuất được nguồn gốc.
Còn theo đại diện Công ty TNHH Cao Phát, EU và Mỹ là hai thị trường chính của Công ty. Với tâm thế đón đầu và tận dụng hiệu quả các cơ hội từ EVFTA, Cao Phát cũng đã chuẩn bị sẵn sàng các tiêu chuẩn để mở rộng xuất khẩu vào thị trường hơn 500 triệu dân này. “Hiện tại thị trường EU vẫn đang gặp nhiều khó khăn do tập trung phòng chống dịch Covid-19. Đợi khi dịch bệnh được kiểm soát, chúng tôi sẽ đẩy mạnh xuất khẩu vào thị trường này – Đại diện Công ty TNHH Cao Phát cho hay.
Anh Tú