EVFTA – Cơ hội và thách thức cho ngành phân phối bán lẻ
Khi Hiệp định EVFTA chính thức được thực thi, sự thâm nhập, bành trướng của các hãng phân phối đến từ các quốc gia thành viên EU sẽ gây sức ép không nhỏ lên các doanh nghiệp phân phối bán lẻ trong nước
Cơ hội đi kèm sức ép cạnh tranh
Thị trường phân phối bán lẻ Việt Nam được đánh giá là có nhiều tiềm năng phát triển do quy mô dân số lớn (khoảng 96 triệu người), cơ cấu dân số trẻ (60% dân số ở độ tuổi 18-50); dự báo chi tiêu hộ gia đình tăng trung bình 10,5%/năm và sẽ lên mức 714 USD/ tháng vào năm 2020. Trong khi đó tỉ lệ bao phủ của hệ thống bán lẻ hiện đại của Việt Nam thấp hơn nhiều nước trong khu vực. Hiện Việt Nam chỉ đạt 25% tổng mức bán lẻ trong khi ở Philipines là 33%, Thái Lan 34%, Malaysia 60% hay Singapore 90%…
Thời điểm đại dịch Covid-19 bùng phát, thị trường bán lẻ tiếp tục khẳng định vai trò là một trong những trụ cột kinh tế khi vẫn duy trì tăng trưởng ổn định. Theo thống kê của Bộ Công Thương, trong 5 tháng đầu năm 2020, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước đạt 1.913,9 nghìn tỷ đồng. Trong đó, doanh thu bán lẻ hàng hóa đã đạt 311,1 nghìn tỷ đồng, tăng đến 17,3% so với tháng 4. Sau thời gian chững lại do giãn cách xã hội phòng chống dịch Covid-19, sức mua đã dần “nóng” trở lại.
Các yếu tố thuận lợi này đã khiến làn sóng vốn trong nước và đầu tư FDI tiếp tục “đổ” vào ngành bán lẻ Việt Nam. Có thể nhận thấy trên thị trường đã nổi lên một số nhà phân phối bán lẻ bao gồm cả doanh nghiệp trong nước và nước ngoài đang nắm giữ thị phần chủ yếu, cạnh tranh lẫn nhau và đi đầu trong những xu hướng bán lẻ mới. Các tập đoàn lớn kinh doanh bán lẻ lớn của nước ngoài như Lotte, Central Group, Aeon, Circle K, K Mart, Auchan, Family Mart… đã liên tục đẩy mạnh chiến lược thâm nhập và mở rộng thị trường bán lẻ tại Việt Nam. Điều này cho thấy tiềm năng thị trường bán lẻ Việt Nam là rất lớn nhưng cuộc đua giành thị phần trong lĩnh vực này cũng ngày càng gay gắt.
Theo Bộ Công Thương, khi Hiệp định EVFTA chính thức có hiệu lực thực, dự báo các doanh nghiệp lớn của các quốc gia thành viên EU sẽ đẩy mạnh đầu tư vào ngành phân phối, bán lẻ của Việt Nam. Ở góc độ tích cực, EVFTA sẽ thúc đẩy các nguồn vốn chất lượng cao của EU và các đối tác khác vào Việt Nam, thúc đẩy quá trình chuyển dịch cơ cấu và đổi mới mô hình tăng trưởng của thương mại trong nước.
Tuy nhiên đi cùng cơ hội là không ít thách thức dối với các doanh nghiệp phân phối trong nước, nhất là là các doanh nghiệp nhỏ và vừa với nguồn lực hạn chế. Lúc này đây, chỉ có một số ít doanh nghiệp lớn của Việt Nam như Saigon Co.op, VinCommerce, Thegioididong, Bách hóa Xanh, Satra, BRG Retail… mới đủ năng lực để cạnh tranh, khẳng định vị thế của mình trên thị trường bán lẻ Việt Nam.
Doanh nghiệp phải chủ động làm mới mình
Việc thực thi cam kết của các hiệp định thương mại tự do Việt Nam ký kết, sắp tới đây là Hiệp định EVFTA sẽ tạo cơ hội cho các doanh nghiệp lớn của nước ngoài liên tục gia tăng thị phần, mở rộng chuỗi bán lẻ tại thị trường nội địa. Bối cảnh mới đặt ra không ít thách thức, đòi hỏi các cơ quan quản lý nhà nước phải đưa ra quyết định kịp thời để phát triển thị trường bán lẻ nói riêng và thị trường trong nước nói chung.
Với vai trò của cơ quan quản lý Nhà nước trong lĩnh vực bán lẻ, thời gian qua Bộ Công Thương đã tích cực triển khai các cơ chế, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp trong cuộc đua tranh ngày càng khốc liệt trên thị trường nội địa, đặc biệt là các chương trình, hoạt động quảng bá cho doanh nghiệp Việt, hàng Việt; qua đó hỗ trợ các doanh nghiệp trong nước từng bước xây dựng được thương hiệu, tạo lập vị thế trong lĩnh vực phân phối bán lẻ trên thị trường trong nước.
Có thể điểm qua một số chương trình hỗ trợ cụ thể Bộ này đã triển khai như: Chương trình phát triển thương mại miền núi, vùng sâu vùng xa và hải đảo giai đoạn 2019-2020; Chương trình mỗi xã một sản phẩm giai đoạn 2018 – 2020; Đề án phát triển thương mại nông thôn giai đoạn 2010 – 2015, định hướng đến năm 2020; Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”….
Ngoài ra, nhằm triển khai hiệu quả Luật hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, từ năm 2018 Bộ Công Thương đã ban hành một số văn bản để hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa tham gia chuỗi phân phối sản phẩm Việt tại thị trường trong nước. Theo đó, công tác hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa tham gia cụm liên kết ngành, chuỗi giá trị trong và ngoài nước được chú trọng, nội dung các hoạt động gồm: tổ chức các khóa đào tạo nâng cao trình độ công nghệ, kỹ thuật sản xuất chuyên biệt; liên kết sản xuất, kinh doanh; phát triển thương hiệu, mở rộng thị trường; tư vấn về tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, đo lường, chất lượng; thực hiện các thủ tục về sản xuất thử nghiệm, kiểm định, giám định, chứng nhận chất lượng.
Tuy nhiên về lâu dài, việc mở cửa thị trường theo các cam kết hội nhập cùng với việc gỡ bỏ các rào cản thương mại, thuế quan sẽ trở thành xu thế tất yếu. Cụ thể, 5 năm sau khi Hiệp định CPTPP có hiệu lực, việc xem xét ENT (kiểm tra nhu cầu kinh tế) nhằm hỗ trợ cho doanh nghiệp bán lẻ trong nước sẽ bị bãi bỏ và dịch vụ phân phối bán lẻ sẽ được mở cửa hoàn toàn cho các nhà đầu tư đến từ các nước thành viên CPTPP.
“Trong bối cảnh đó, sự hỗ trợ của Bộ Công Thương trong công tác xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường tiêu thụ, nâng cao năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp là yêu cầu tất yếu. Tuy nhiên bên cạnh sự trợ lực của Chính phủ và Bộ Công Thương thì bản thân các doanh nghiệp phân phối bán lẻ trong nước cũng phải không ngừng đa dạng hóa và nâng cao chất lượng sản phẩm – dịch vụ cung ứng cho khách hàng. Chỉ có như vậy các doanh nghiệp mới chiếm lĩnh thành công thị phần cũng như niềm tin của người tiêu dùng” – ông Trần Duy Đông, Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) nhấn mạnh.
Minh Anh