Kỷ nguyên số – Cơ hội vàng cho các startup ngành logistics
Giữ vai trò quan trọng trong nền kinh tế cùng tiềm năng tăng trưởng dồi dào, logistics cũng đồng thời được xem là miền đất hứa cho các công ty khởi nghiệp sáng tạo.
Tăng cường ứng dụng công nghệ vào chuỗi cung ứng logistics
Hiện nay, dịch vụ logistics tại Việt Nam đang phát triển với tốc độ khá cao, bình quân 12-14%/năm, đóng góp 4-5% vào trong GDP. Tuy nhiên, chi phí logistics so với GDP của Việt Nam đang ở mức 16.8% – khá cao so với khu vực châu Á – Thái Bình Dương, tương đương với giá trị khoảng 40 tỷ USD. Để giảm chi phí trên, một trong những biện pháp quan trọng là sử dụng công nghệ và điều này càng trở nên cần thiết hơn bao giờ hết trong bối cảnh toàn cầu đang bước vào cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0.
Để nâng cao năng lực cạnh tranh, nâng cao chất lượng dịch vụ và hạ giá thành sản phẩm đòi hỏi các doanh nghiệp logistics trong nước phải tăng cường ứng dụng khoa học – công nghệ hiện đại vào hoạt động của doanh nghiệp mình. Không quá khi khẳng định công nghệ thông tin sẽ giúp logistics “cất cánh” trên các nền tảng robot, định vị dẫn đường, giám sát, ứng dụng quét mã vạch trong quản lý kho bãi, tối ưu hóa tồn kho dựa trên công nghệ điện toán đám mây, tích hợp dịch vụ quản lý đơn hàng, bán hàng trực tuyến…Công nghệ thông tin còn giúp doanh nghiệp kiểm soát hàng hóa, chia chọn hàng hóa tốt hơn dựa trên mã hóa, giảm thiểu công đoạn thủ công…
Khảo sát của Hiệp hội Doanh nghiệp Dịch vụ logistics Việt Nam (VLA) cho thấy mặc dù mức độ ứng dụng công nghệ của các doanh nghiệp trong ngành còn thấp song bước đầu đã cho thấy hiệu quả cải thiện rõ rệt, từ mức 15-25% trong 2016 đạt khoảng 40% năm 2018 tùy loại hình dịch vụ. So với các ngành nghề khác, có thể thấy tốc độ ứng dụng khoa học – công nghệ trong ngành logistics còn khá chậm song bất cập này cũng chính là cơ hội thị trường lớn để các doanh nghiệp khởi nghiệp tham gia vào giải các bài toán khó.
Nắm bắt cơ hội vàng này, Việt Nam đã có một số công ty startup tiêu biểu về giải quyết vấn đề logistics như Abivin (xây dựng lộ trình tối ưu, quản lý kho, quản lý vận tải cho doanh nghiệp), Logivan (kết nối mạng lưới xe tải với đơn hàng), FastGo (kết nối tài xế với khách hàng), Xeca (bán vé và quản lý vận tải cho hãng xe khách)…
Ông Lê Mạnh Cương – Chủ tịch Công ty Lokaloop cho biết hòa cùng xu thế chung của thế giới, Chính phủ đang khuyến khích việc áp dụng công nghệ vào chuỗi cung ứng logistics. Đến thời điểm này trong nước đã xuất hiện nhiều doanh nghiệp dịch vụ logistics và các doanh nghiệp khởi nghiệp ứng dụng công nghệ mới, góp phần mang đến một chuỗi logistics hiệu quả, thực sự thuận tiện và giảm thiểu tất cả chi phí không đáng có trong chuỗi logistics…
Vững tâm thế “thất bại là mẹ thành công”
Theo PGS.TS Trần Đình Thiên – Nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, hiện chi phí logistics của nước ta chiếm khoảng 20% GDP, trong khi trung bình trên thế giới khoảng 11%. Đây chính là mảnh đất, là cơ hội và dư địa dành cho các startup cùng tham gia giải quyết các vấn đề về logistics để đưa Việt Nam phát triển trong lĩnh vực tiềm năng này, rút ngắn khoảng cách 10% chi phí logistics trong GDP, tương đương khoảng 30 tỷ USD.
Tuy nhiên PGS.TS Trần Đình Thiên cũng lưu ý ở Việt Nam đã có không ít bạn trẻ giai đoạn đầu khởi nghiệp thất bại đã rơi vào tình trạng suy sụp, mất ý chí và niềm tin vào bản thân. “Rào cản lớn nhất của khởi nghiệp không chỉ đến từ vốn, ý tưởng, mà còn là tâm lý tự ti, sợ thất bại của những người trẻ. Các startup nước ngoài luôn chuẩn bị sẵn tâm thế “thất bại là mẹ thành công”, trong khi các bạn trẻ nước ta một khi thất bại thì hoàn toàn buông xuôi, không muốn làm nữa; hoặc dễ mới làm khó thì bỏ. Đây thực sự là một trở ngại văn hóa rất lớn ảnh hưởng đến tỷ lệ thành công của các startup” – PGS.TS Trần Đình Thiên nhấn mạnh.
Đồng quan điểm, ông Trần Thanh Hải – Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho biết mặc dù các dự án khởi nghiệp có đến 98% thất bại nhưng thất bại cũng chính là động lực để vươn đến thành công. Ngành logistics Việt Nam đang còn rất nhiều dư địa phát triển. Với ưu thế sống trong thời đại công nghệ số, lại được đào tạo bài bản, chuyên nghiệp, các bạn trẻ sẽ là những người mở rộng ngành logistics hơn nữa và có thể phát triển thành những doanh nghiệp logistics lớn, tiếp bước thành công của những doanh nghiệp, doanh nhân hôm nay.