Coi trọng kinh tế mà xem nhẹ môi trường là sai lầm

Tại Tổ đại biểu Quốc hội Hải Phòng, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhận định, ô nhiễm môi trường đe doạ cuộc sống, là vấn đề lớn luôn được Đảng, Nhà nước quan tâm. Do đó, việc hoàn thiện các quy định pháp luật là rất quan trọng để góp phần thay đổi về nhận thức, tư duy, đảm bảo phát triển bền vững của đất nước.

Dẫn ví dụ từ Nghị định 100 giúp giảm tai nạn giao thông, Thủ tướng cho rằng: Trong lĩnh vực bảo vệ môi trường cũng phải có chế tài xử nghiêm, nếu không thì “nói mãi cũng nhờn”.

“Môi trường là thách thức không chỉ ở Việt Nam mà cả toàn cầu” – quan điểm này được nhiều đại biểu Quốc hội nêu ra khi thảo luận tại tổ sáng 11/6 về Dự án Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi).

Theo người đứng đầu Chính phủ, phải cương quyết bảo vệ môi trường, bắt đầu từ đường lối, chính sách, luật pháp, ứng xử và tư duy. “Coi trọng phát triển kinh tế mà xem nhẹ bảo vệ môi trường là sai lầm”.

Thủ tướng đánh giá hiện nhận thức về vấn đề này chưa đúng mức, chưa cương quyết, nên ở nhiều nơi, môi trường còn là vấn đề nhức nhối. Bên cạnh đó, cần phải giáo dục lại sự vô trách nhiệm của một bộ phận dân cư.

“Nghị quyết của từng chi bộ phải quán triệt, đừng nói chuyện trên trời, mà không bàn vấn đề sát sườn là bảo vệ môi trường nơi mình sinh sống. Rồi vai trò của Đoàn thanh niên, Hội Phụ nữ ở đâu trong việc này?”, Thủ tướng nói.

Dẫn chứng hiệu quả từ Luật Phòng chống tác hại của rượu bia và Nghị định 100 cụ thể hoá các quy định của luật, Thủ tướng đặt vấn đề, nên chăng cần có một nghị định tương tự với chế tài nghiêm khắc bên cạnh công tác tư tưởng, vận động, tuyên truyền giáo dục cũng như khuyến khích áp dụng công nghệ trong sản xuất, xử lý rác thải để bảo vệ môi trường. “Phải rút ví bỏ ra hàng chục triệu đồng nộp phạt thì mới nâng cao ý thức. Chúng ta không có chế tài nghiêm thì nói mãi cũng nhờn”, Thủ tướng lưu ý, đồng thời thẳng thắn chỉ rõ “dọc bờ sông, bãi biển còn bẩn lắm”, nhưng cứ nói mãi mà không ai chịu thực thi bảo vệ.

Đề cập trách nhiệm của bộ máy, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề nghị luật phải làm rõ hơn vai trò quản lý Nhà nước cũng như chức năng của các bộ, ngành, không thể một bộ “vừa đá bóng vừa thổi còi”.

“Bộ máy phải mạnh, chống tiêu cực, tham nhũng, lợi ích nhóm, có kiến thức, phương tiện, công cụ kiểm tra”, Thủ tướng nhấn mạnh và cho biết Chính phủ sẽ tiếp thu để có hành động mạnh mẽ hơn nữa, tránh “biết rồi nói mãi” về vấn đề ô nhiễm môi trường.

Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển lưu ý cần có chế tài để quản lý môi trường tốt hơn, ứng phó với biến đổi trong tình hình mới, bởi chúng ta tăng trưởng kinh tế dẫn tới nhiều tác động như chất thải, môi trường ô nhiễm.

Song, ông cho rằng phải bảo đảm hài hòa giữa phát triển kinh tế và bảo vệ môi trường. Để luật thực thi hiệu quả, ông Phùng Quốc Hiển đề nghị quy định trách nhiệm cụ thể của từng bộ, ngành.

Cũng tại phiên họp tổ sáng nay, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể đồng tình với quan điểm cần tăng cường công tác quản lý môi trường, vì đây là giải pháp bảo đảm phát triển bền vững đất nước.

“Chúng ta cần tránh lặp lại vết xe đổ của nhiều nước, là sau khi kinh tế phát triển thì môi trường sống, môi trường nói chung xuống cấp nghiêm trọng, đến khi cảnh báo lại không có điều kiện để xử lý. Một số nước xung quanh chúng ta cũng đã phải trả giá đắt cho bài học về bảo vệ môi trường”, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể nói.

Góp ý về nội dung cụ thể, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể kiến nghị về việc ban hành quy chuẩn chất lượng môi trường đối với khí thải của phương tiện vận tải ô tô nên giữ theo Luật Giao thông đường bộ hiện nay và theo kinh nghiệm mà từ trước đến nay thực hiện.

Chủ tịch Tập đoàn Dầu khí quốc gia Trần Sỹ Thanh (đại biểu Lạng Sơn) cho rằng Luật Bảo vệ môi trường cần phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế xã hội, trình độ công nghệ của Việt Nam.

“Khi mới có thu nhập bình quân 2.000 USD thì khác, còn có thu nhập 10.000 USD phải khác. Nếu áp mức tiêu chuẩn cao quá sẽ ảnh hưởng đến chi phí của doanh nghiệp, của xã hội”. Ông Thanh nhấn mạnh rằng, luật quan trọng là tính khả thi, nếu chỉ đưa ra các quy định nặng cảm tính thì không có nhiều ý nghĩa.

Anh Đức