EVFTA không phải “đũa thần”, nếu doanh nghiệp không chịu vượt qua rào cản
Liên minh châu Âu (EU) có lẽ là thị trường quan trọng nhất đối với các doanh nghiệp Việt Nam hiện nay. Thị trường này vừa là thị trường tiêu thụ hàng hóa, sản phẩm Việt Nam, vừa là thị trường đầu vào của các nguyên liệu máy móc, công nghệ cao. Vì vậy, EVFTA là là Hiệp định quan trọng nhất đối với doanh nghiệp Việt Nam, giúp doanh nghiệp mở cửa sang thị trường có sức mua lớn thứ hai thế giới.
Không thể phủ nhận, việc có được một Hiệp định Thương mại tự do (FTA) với thị trường lớn, quan trọng này là yếu tố tích cực. Việt Nam là nước thứ 2 ký FTA với châu Âu trong khối ASEAN, sau Singapore. Nhưng Singapore không phải quốc gia có nền sản xuất, vì vậy, có thể nói, Việt Nam là quốc gia đầu tiên trong ASEAN có cơ hội xuất khẩu trực tiếp hàng hóa của mình sang EU. Bên cạnh đó, EVFTA đặc biệt quan trọng khi các quốc gia cạnh tranh của Việt Nam, ngay cả Trung Quốc cũng chưa có FTA với EU.
Về mặt chiến lược, EU là thị trường tiêu chuẩn cao và khó tính, đây là sức ép quan trọng và lành mạnh, buộc doanh nghiệp Việt Nam phải nâng cao tiêu chuẩn của mình hơn, phải tự lớn lên, tự cạnh tranh hơn. Rất nguy hiểm nếu doanh nghiệp Việt Nam chỉ quen với thị trường lớn và tương đối dễ tính và khi gặp trục trặc thì không thể xoay chuyển nổi. Đây chính là cơ hội, là động lực để doanh nghiệp phải nâng cấp mình, về chất lượng, trình độ công nghệ và tiêu chuẩn bền vững để giảm rủi ro, tránh phụ thuộc quá vào một thị trường.
Cùng với 15 FTA đã có hiệu lực, đã ký hoặc đang đàm phán, EVFTA là sự bổ sung cần thiết. Tôi kỳ vọng, trong bối cảnh thương mại đầy biến động, EVFTA giúp doanh nghiệp Việt Nam đa dạng hoá thị trường, thay vì tập trung vào một thị trường lớn. Đây cũng là bước đi chiến lược của Việt Nam khi chúng ta vừa có các hiệp định thương mại với ASEAN, với Trung Quốc, với các nước Đông Bắc Á, với các nước trong CPTPP và nay là EU… Đa dạng hoá là yếu tố cực kỳ quan trọng trong bối cảnh Covid-19 khi nhiều doanh nghiệp, ngành hàng bị đứt gãy nguồn cung hay khó khăn về thị trường.
Đại dịch Covid-19 vừa qua cũng chứng minh rằng, thị trường nội địa rất quan trọng. Vì vậy, chiến lược bài bản là thay vì chỉ xuất khẩu tập trung vào một thị trường, doanh nghiệp cũng không nên bỏ quên thị trường nội địa.
EVFTA còn là nhân tố thúc đẩy nguồn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam. Khi đầu tư, làm ăn tại Việt Nam là có thể xuất khẩu dễ dàng đi khắp thế giới thì rõ ràng là một lợi thế, một địa điểm làm ăn lý tưởng. Việt Nam còn được đánh giá là địa bàn đầu tư tốt khi có nguồn lao động còn dồi dào, rẻ, chi phí sản xuất thấp, hạ tầng đang phát triển và nhiều chính sách hỗ trợ đầu tư… Vì vậy, EVFTA được kỳ vọng là cú hích để thúc đẩy đầu tư nước ngoài, đặc biệt là luồng đầu tư chất lượng cao vào Việt Nam.
EU là thị trường khá “kỹ tính” và minh bạch, điều này sẽ gây không ít khó khăn cho doanh nghiệp Việt Nam để tuân thủ những quy tắc khác nhau về hàng rào kỹ thuật, chất lượng, xuất xứ hàng hóa. Mặc dù khi EVFTA có hiệu lực, hàng rào thuế quan sẽ được giảm rất nhiều, sau một thời gian thì hàng rào thuế cơ bản được dỡ bỏ, nhưng không có nghĩa là hàng hóa Việt Nam có thể tự nhiên thâm nhập vào thị trường EU. Bởi thị trường tiềm năng này là thị trường khó tính, có tiêu chuẩn cao về kỹ thuật và những yêu cầu khắt khe về nguồn gốc, chất lượng, chính vì vậy, hơn ai hết, doanh nghiệp Việt muốn khai thác cơ hội cần phải hiểu rõ về thị trường, nắm rõ thông tin, chuẩn bị các phương án để đối mặt với rào cản.
Bên cạnh đó, dù có thể đã vào thị trường EU, đang làm ăn tốt nhưng doanh nghiệp Việt Nam vẫn phải đối mặt với rủi ro của các vụ kiện từ các đối thủ cạnh tranh tại thị trường EU hay rào cản từ những vụ kiện thương mại quốc tế. Chính vì vậy, EVFTA là một “cuộc chơi” và doanh nghiệp Việt Nam phải quen, phải chơi được luật chơi mới.
Doanh nghiệp Việt Nam đa số là doanh nghiệp nhỏ và vừa, chưa nhiều kinh nghiệm, nguồn lực và nhân lực còn hạn chế, do đó, cần có sự đồng hành của nhà nước, hỗ trợ doanh nghiệp thâm nhập thị trường EU, làm quen với tiêu chuẩn cao, để đối phó với các rào cản, rủi ro khi hợp tác cùng thị trường này. Đây không phải trách nhiệm đơn độc của doanh nghiệp mà là trách nhiệm chung của nhà nước, các phòng thương mại, các hiệp hội doanh nghiệp hay tổ chức xúc tiến để giúp doanh nghiệp vững vàng trong việc khai thác các cơ hội từ thị trường EU.
Việt Nam khi khai thác và tận dụng các FTA là vấn đề thông tin. Theo các cuộc khảo sát của VCCI, rất nhiều doanh nghiệp chỉ biết chung chung về Hiệp định, không hiểu sâu về từng ngành hàng, lộ trình giảm thuế, đặc tính thị trường hay rào cản phi thuế. Vì vậy, tăng cường thông tin cho doanh nghiệp Việt Nam là yêu cầu quan trọng.
Về thông tin, cần có các diễn giải về Hiệp định, những văn bản thực thi EVFTA thân thiện và phù hợp. Cần có những tài liệu để hướng dẫn, phân tích, giải thích nội dung của Hiệp định theo ngành hàng, lĩnh vực.
Bên cạnh đó, cần có đầu mối thông tin. Đây là hạn chế lớn mà doanh nghiệp đang phải đối mặt. Khi họ gặp vướng mắc về những nội dung của EVFTA, họ không biết hỏi ai hay “gõ cửa” ở đâu. Vì vậy, cần có trung tâm thông tin, phản hồi nhanh để cung cấp thông tin cho các doanh nghiệp.
Tiếp đó, doanh nghiệp còn gặp khó khăn ở vấn đề thủ tục xuất khẩu, giấy tờ, giấy phép, thủ tục chứng nhận… Hiện nay so với nhiều nước, thủ tục hành chính tại Việt Nam chưa được thông thoáng, thuận lợi, vì vậy, việc tháo gỡ những khó khăn trong thủ tục hành chính cũng là tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp.
Thời gian qua, thủ tục xuất nhập khẩu của Việt Nam đã có những thay đổi tích cực nhưng so với nhu cầu của doanh nghiệp thì cần phải đẩy nhanh hơn.
Kinh nghiệm qua nhiều năm thực thi các FTA và các cam kết quốc tế có thể thấy rằng, việc ký kết các FTA là bước đi quan trọng nhưng không phải là “cây đũa thần”, EVFTA cũng thế. Không tự nhiên mà doanh nghiệp Việt Nam có thể nhanh chóng khai thác được thị trường EU, vì vậy, một chương trình hỗ trợ doanh nghiệp triển khai Hiệp định này là rất quan trọng.
Thứ nhất, cần có chương trình tuyên truyền, hỗ trợ và tạo điều kiện cho doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp tư nhân khai thác triệt để lợi ích từ Hiệp định. Bên cạnh đó, doanh nghiệp cũng cần một hệ thống thông tin vận hành chuyên nghiệp. Hy vọng rằng, doanh nghiệp sẽ được cung cấp đầy đủ thông tin về thị trường EU, những cảnh báo sớm về ngành hàng, doanh nghiệp nào có nguy cơ bị rơi vào kiện thương mại hay cảnh báo về những tiêu chuẩn mới.
Thứ hai, cần có chương trình rà soát và sửa đổi các văn bản pháp luật, vừa tuân thủ cam kết. Nhưng tôi muốn nhấn mạnh nhóm chính sách chủ động từ Việt Nam để bảo vệ và hỗ trợ doanh nghiệp trong nước, giữ được thị trường nội địa mà không vi phạm cam kết.
Thứ ba, sau đại dịch Covid-19, thế giới đang có xu hướng dịch chuyển chuỗi sản xuất ra khỏi Trung Quốc và Việt Nam có thể đón đầu cơ hội. Để thực hiện được điều này, Việt Nam cần chủ động tiếp cận chiến lược thu hút đầu tư. Một mặt chuẩn bị sẵn cơ sở hạ tầng; mặt khác, chủ động tìm kiếm nhà đầu tư có hiệu ứng tích cực, hiệu ứng lan tỏa, có đóng góp lớn và không cạnh tranh trực tiếp với doanh nghiệp Việt Nam.
Trong bối cảnh mới, Việt Nam cần chủ động hơn trong việc tìm kiếm, định hướng và vận động các dự án đầu tư vào Việt Nam và EVFTA có thể là một công cụ hữu ích trong quá trình này. Việt Nam cần chuyển từ trạng thái thụ động tích cực sang chủ động tích cực trong mời gọi đầu tư.
Thứ tư, EVFTA cũng là một cơ hội để nâng cấp hệ thống thiết chế, hỗ trợ xuất khẩu. Sẽ rất bất công và khó khăn cho doanh nghiệp Việt Nam khi họ phải cạnh tranh với doanh nghiệp khác trong bối cảnh thủ tục hành chính, các thiết chế hỗ trợ xuất khẩu của Việt Nam kém cạnh tranh hơn. Do đó, lộ trình nâng cấp chuyên nghiệp hóa, hiện đại hóa, thuận lợi hóa hành chính công, các thiết chế hỗ trợ xuất khẩu của Việt Nam cần được đẩy nhanh.
Thứ năm, cần hệ thống cơ quan thương vụ, cơ quan xúc tiến thương mại và đầu tư chuyên nghiệp và hiệu quả hơn.
Anh Đức