Tiến tới nhân rộng Mô hình thí điểm tiêu thụ nông sản và cung ứng vật tư nông nghiệp

Mô hình thí điểm tiêu thụ nông sản và cung ứng vật tư nông nghiệp được Bộ Công Thương thực hiện từ năm 2011. Đến nay qua 5 năm triển khai, mô hình đã mang lại nhiều lợi ích thiết thực, tạo điều kiện cho các thành viên tham gia (doanh nghiệp, hộ kinh doanh – hợp tác xã, người nông dân) xây dựng cơ chế phối hợp từ sản xuất tới tiêu thụ, qua đó tạo ra sự hài hòa lợi ích và chia sẻ rủi ro.

Mô hình đem lại lợi ích không nhỏ cho người nông dân

Hiệu quả vượt trên mong đợi

Theo báo cáo của Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương), giai đoạn 2011 – 2015 có 12 địa phương trong cả nước (Lào Cai, Sơn La, Bắc Giang, Hải Dương, Nam Định, Thái Bình, Thanh Hóa, Lâm Đồng, Bình Thuận, An Giang, Tiền Giang, Đồng Tháp) triển khai Mô hình thí điểm tiêu thụ nông sản và cung ứng vật tư nông nghiệp với kinh phí hỗ trợ mỗi tỉnh 1 tỷ đồng/2 mô hình. Các địa phương thực hiện theo mô hình doanh nghiệp – hợp tác xã – hộ nông dân ở vùng sản xuất hàng hóa tập trung và mô hình doanh nghiệp – hộ kinh doanh – hộ nông dân áp dụng ở vùng sản xuất phân tán,

Sau 5 năm triển khai thực hiện, mặc dù gặp nhiều khó khăn nhưng qua đánh giá của các địa phương tham gia, việc xây dựng Mô hình thí điểm cơ bản đạt mục tiêu đề ra và mang lại những kết quả tích cực về mặt kinh tế – xã hội. Trong 5 năm qua, mô hình đã thu hút 29 doanh nghiệp, 15 hợp tác xã, 90 hộ kinh doanh, 5.551 hộ nông dân cùng 264 xã viên tham gia với các sản phẩm chính là nông sản – thực phẩm (lúa, khoai tây, gà thịt an toàn sinh học, thuốc bảo vệ thực vật…). Riêng năm 2017 vừa qua, trong số 10 địa phương được hỗ trợ triển khai Mô hình thí điểm (Hà Tĩnh, Nghệ An, Bình Phước, Trà Vinh, Yên Bái, Hòa Bình, Cao Bằng, Bình Định, Quảng Nam, Thừa Thiên Huế) có 2 địa phương đã hoàn thành là Nghệ An và Hòa Bình; các tỉnh còn lại tiếp tục đẩy mạnh triển khai.

Chia sẻ về lợi ích của Mô hình thí điểm tiêu thụ nông sản và cung ứng vật tư nông nghiệp, ông Vũ Xuân Khải – Phó Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Hòa Bình cho biết thông qua mô hình này, bước đầu đã tháo gỡ khó khăn cho đầu ra của sản phẩm nông nghiệp; nâng cao hiệu quả công tác xúc tiến thương mại; ổn định giá cả trong cung ứng vật tư nông nghiệp và tiêu thụ sản phẩm; khắc phục được những bất cập tồn tại nhiều năm trong khâu liên kết và tiêu thụ sản phẩm…. Năm 2017, trên địa bàn tỉnh Hoà Bình triển khai 2 dự án: dự án xây dựng mô hình thí điểm doanh nghiệp – hộ kinh doanh – nông dân tiêu thụ mía và cung ứng vật tư nông nghiệp tại huyện Lạc Sơn; dự án xây dựng mô hình thí điểm doanh nghiệp – hợp tác xã – nông dân tiêu thụ bưởi đỏ và cung ứng vật tư nông nghiệp tại huyện Tân Lạc. Để thực hiện, Sở Công Thương đã tổ chức tập huấn cho nông dân tham gia mô hình về kỹ thuật trồng, chăm sóc, bảo quản hàng nông sản, kiến thức về an toàn thực phẩm, xúc tiến thương mại….

Đến thời điểm này, 2 Mô hình thí điểm đã được đánh giá thành công, đáng chú ý cả hợp tác xã, hộ kinh doanh và nông dân đều có thu nhập cao, ổn định so với những hộ nông dân sản xuất tự phát, nhỏ lẻ, không có sự liên kết hoặc hợp tác sản xuất. Các chủ thể tham gia nhờ có sự liên kết chặt chẽ, bền vững đã tạo ra nhiều sản phẩm hàng hóa hơn. Mô hình huy động được các nguồn lực từ Nhà nước, doanh nghiệp, hộ kinh doanh, nông dân để đầu tư phát triển trồng mía, trồng bưởi đỏ theo quy trình an toàn; đồng thời giải quyết việc làm cho nhiều lao động, góp phần cải thiện đời sống người dân, tạo điều kiện để xây dựng, phát triển Nông thôn mới.

Phấn đấu 100% tỉnh, thành cả nước triển khai mô hình

Đánh giá về Mô hình thí điểm tiêu thụ nông sản và cung ứng vật tư nông nghiệp, các chuyên gia đều có chung nhận định Mô hình này đã góp phần định hướng sản xuất cho các hợp tác xã, chủ trang trại, hộ nông dân; qua đó góp phần chuyển đổi cơ cấu cây trồng theo hướng sản xuất hàng hóa đáp ứng nhu cầu thị trường. Năng suất, chất lượng cây trồng vật nuôi tăng cao và được tổ chức thu mua hợp lý nên giảm được các chi phí nhân công, chi phí vận chuyển cho nông dân, hợp tác xã và doanh nghiệp. Sản phẩm nông sản được kiểm soát theo quy trình từ sản xuất đến tiêu thụ nên chất lượng được bảo đảm, xác định được xuất xứ, nguồn gốc và bảo đảm về vệ sinh an toàn thực phẩm. Nông dân được cung ứng, hỗ trợ về vật tư đầu vào với chất lượng bảo đảm, giá cả hợp lý, được hướng dẫn chu đáo về kỹ thuật canh tác, áp dụng khoa học kỹ thuật tiên tiến trong sản xuất nông nghiệp. Bên cạnh đó, mô hình còn góp phần khắc phục tình trạng tranh mua, tranh bán và “được mùa mất giá, được giá mất mùa”, đảm bảo đầu ra ổn định, tăng thu nhập cho người nông dân.

Trong thời gian tới, để triển khai rộng rãi Mô hình thí điểm tiêu thụ nông sản và cung ứng vật tư nông nghiệp ra khắp các tỉnh, thành trong cả nước, Bộ Công Thương tiếp tục đề xuất 12 địa phương được chương trình hỗ trợ gồm: Phú Yên, Quảng Bình, Đắk Nông, Hưng Yên, Tuyên Quang, Bắc Kạn, Kon Tum, Phú Thọ, Hà Giang, Sóc Trăng, Đắk Lắk, Vĩnh Long. Trước mắt Bộ sẽ đề xuất Bộ Tài chính phân bổ kinh phí hỗ trợ triển khai mô hình cho các địa phương này. Dự kiến trong giai đoạn 2016 – 2020 sẽ nhân rộng thực hiện mô hình ở 51 tỉnh, thành (trong đó 12 tỉnh tự cân đối được ngân sách địa phương); phấn đấu đến năm 2020 100% các tỉnh, thành trong cả nước đều triển khai mô hình.

Theo : Song Thanh