Covid – 19 khoét sâu khoảng cách giàu nghèo tại Mỹ
Theo báo cáo công bố hôm qua của Viện Nghiên cứu Chính sách (IPS), các tỷ phú Mỹ đã có thêm 565 tỷ USD kể từ ngày 18/3. Tổng tài sản của nhóm này hiện là 3.500 tỷ USD, tăng 19% so với thời điểm trước khi đại dịch bùng phát tại Mỹ. Chỉ riêng ông chủ Amazon Jeff Bezos đã có thêm 36,2 tỷ USD.
Trong 3 tháng, các tỷ phú Mỹ có thêm hơn 500 tỷ USD, trong khi 43 triệu người nước này phải nộp đơn xin trợ cấp thất nghiệp vì Covid-19.
Dù vậy, theo báo cáo mới nhất hôm qua, gần 43 triệu người Mỹ đã nộp đơn xin trợ cấp thất nghiệp kể từ ngày đó. Những lao động thu nhập thấp, đặc biệt trong các ngành dịch vụ và du lịch, chịu ảnh hưởng nặng nhất từ cuộc khủng hoảng y tế này.
Con số trên cũng càng làm nổi bật sự chênh lệch giàu nghèo vốn đang châm ngòi cho bất ổn xã hội tại Mỹ. Giới chuyên gia nhận định cuộc khủng hoảng hiện tại đang càng khiến việc này tồi tệ hơn. “Thị trường chứng khoán đang lên cao, và ngày càng xa rời hiện thực kinh tế. Chính điều này đang khiến bất ổn càng trầm trọng”, Kristina Hooper – chiến lược gia thị trường tại Invesco cho biết.
Bất chấp biểu tình trên các đường phố Mỹ và con số kỷ lục 43 triệu người nộp đơn xin trợ cấp thất nghiệp, chỉ số Nasdaq vẫn đang trên đà lập các kỷ lục mới. Tốc độ phục hồi của chứng khoán Mỹ khiến nhiều người phải ngạc nhiên.
Các chính sách khẩn cấp của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed), như hạ lãi suất xuống 0% và cam kết mua trái phiếu không giới hạn, được tung ra nhằm giúp các tài sản rủi ro, như cổ phiếu, hấp dẫn hơn. Nhà đầu tư vì thế đổ tiền vào chứng khoán, khiến các đại gia công nghệ đặc biệt có lợi.
Các hãng công nghệ lớn không chỉ tồn tại trong đại dịch. Rất nhiều công ty còn phất lên. Cuộc khủng hoảng đang khiến Amazon quan trọng hơn bao giờ hết. Cổ phiếu hãng này đã tăng 47% kể từ đáy tháng 3. Facebook cũng rất nhanh chóng hồi phục lên đỉnh. Tài sản của ông chủ mạng xã hội lớn nhất thế giới Mark Zuckerberg đã tăng 30,1 tỷ USD kể từ ngày 18/3, báo cáo của IPS cho biết.
Nhiều ông chủ các hãng công nghệ lớn khác cũng có thêm khối tài sản khổng lồ trong 3 tháng qua. Elon Musk – ông chủ Tesla, đồng sáng lập Google Sergey Brin và Larry Page, cựu CEO Microsoft Steve Ballmer đều có thêm hơn 13 tỷ USD .
Trong khi đó, kinh tế Mỹ đang chịu sức ép khi số người thất nghiệp lên kỷ lục vì các chính sách giãn cách xã hội. Hôm nay, Mỹ sẽ công bố báo cáo việc làm tháng 5. Các nhà kinh tế dự báo nước này mất thêm 8 triệu việc làm trong tháng trước, nâng tổng số việc mất đi vì đại dịch lên 28,5 triệu – gấp 3 khủng hoảng tài chính 2008. Còn tỷ lệ thất nghiệp có thể lên gần 20% – cao hơn cả Đại suy thoái thập niên 30.
“Tài sản các tỷ phú tăng vọt trong khi hàng triệu người thất nghiệp đã làm rạn nứt sự đoàn kết xã hội, khiến chúng ta phải mất nhiều năm nữa mới hàn gắn được”, Chuck Collins – đồng tác giả IPI cho biết.
Dĩ nhiên, hàng triệu người Mỹ cũng hưởng lợi từ đà phục hồi thần tốc của thị trường chứng khoán. Giá trị các quỹ lương hưu, danh mục đầu tư và quỹ đầu tư theo chỉ số tăng mạnh. Ví dụ, một quỹ đầu tư theo S&P 500 cũng có thể giúp nhà đầu tư sinh lời gần 40% kể từ đáy tháng 3.
Tuy vậy, nhìn chung, việc chứng khoán tăng vọt làm lợi cho người giàu hơn là phần còn lại của nền kinh tế. Theo số liệu năm 2016 của Giáo sư Đại học New York – Edward Wolff, 10% hộ gia đình Mỹ sở hữu 84% số cổ phiếu.
Xu hướng này giải thích được phần nào bất ổn đang bóp nghẹt nước Mỹ. Dù nguyên nhân ban đầu là sự bạo lực của nhóm cảnh sát, khiến một người da màu thiệt mạng, các cuộc biểu tình và bạo loạn sau đó lại dựa trên nguyên nhân bất bình đẳng kinh tế. Và đại dịch đang khiến vấn đề này càng trầm trọng.
“Cả 2 vấn đề đều dễ gây kích động – đó là mất thu nhập và bất bình đẳng giàu nghèo”, Joe Brusuelas – kinh tế trưởng tại RSM International kết luận.
Huy Hoàng