Quyết liệt tháo gỡ vướng mắc trong phát triển hạ tầng cảng biển, giao thông liên tỉnh
Đó là kiến nghị của lãnh đạo chủ chốt 8 tỉnh, thành phố Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam (Vùng KTTĐPN) (Tp.HCM, Đồng Nai, Bình Dương, Bà Rịa – Vũng Tàu, Long An, Tiền Giang, Tây Ninh, Bình Phước) tại buổi làm việc với Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc hôm 30/5.
Là một cực tăng trưởng quan trọng, trung tâm kinh tế năng động và lớn nhất cả nước, Vùng KTTĐPN hiện chiếm 1/5 dân số, 42% GDP và 43% thu ngân sách cả nước; trong đó dẫn đầu là Tp.HCM, Đồng Nai, Bình Dương, Bà Rịa Vũng Tàu. Từ đầu năm 2020 đến nay, cùng với cả nước, 8 tỉnh, thành trong Vùng KTTĐPN cũng dồn lực cho thực hiện mục tiêu vừa phòng chống dịch Covid – 19 vừa phục hồi và phát triển kinh tế – xã hội. Nhờ vậy mà trong 5 tháng đầu năm, các địa phương vẫn giữ được tăng trưởng kinh tế ổn định. Điển hình như Tp.HCM, kể từ khi tái khởi động sau giãn cách xã hội tới nay, hầu hết các hoạt động kinh tế đã dần đi vào quỹ đạo và có sự khởi sắc hơn.
Phát biểu tại buổi làm việc, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cho biết đến nay nước ta đã cơ bản giành thắng lợi bước đầu trong phòng chống Covid – 19, đồng thời chuyển sang giai đoạn thực hiện “mục tiêu kép”: phòng chống dịch hiệu quả, bảo vệ sức khỏe người dân gắn với khôi phục và phát triển kinh tế. Nhờ vậy mà trong quý I/2020, giữa bối cảnh kinh tế thế giới suy thoái và dịch bệnh hoành hành nghiêm trọng, kinh tế Việt Nam vẫn đạt mức tăng trưởng khoảng 4%. Bước sang tháng 5, bức tranh kinh tế có sự khởi sắc đáng kể và đây sẽ là nền tảng vững chắc để Việt Nam dồn lực cho đầu tư phát triển kinh tế, đặc biệt là Vùng KTTĐPN.
Báo cáo với Thủ tướng, ông Nguyễn Văn Thọ – Chủ tịch UBND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu cho biết từ đầu năm đến nay địa phương này đã quyết liệt triển khai nhiều giải hỗ trợ doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn trong sản xuất kinh doanh, tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế. “Tuy nhiên để đưa kinh tế của Bà Rịa – Vũng Tàu nói riêng và Vùng KTTĐPN nói chung bứt phá đi lên, đón cơ hội thu hút dòng vốn FDI hậu Covid – 19, Thủ tướng cần xem xét, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, tạo điều kiện thuận lợi để các dự án giao thông có tính chất liên kết giữa cụm cảng Cái Mép – Thị Vải với các tỉnh trong vùng KTTĐ phía Nam và với vùng ĐBSCL được nhanh chóng triển khai. Cụ thể là dự án cầu Phước An kết nối với miền Tây thông qua cao tốc Bến Lức – Long Thành, dự án đường sắt Biên Hòa – Vũng Tàu, dự án cao tốc Biên Hòa – Vũng Tàu…” – ông Thọ kiến nghị.
Cũng xoay quanh vấn đề tháo gỡ vướng mắc trong phát triển hạ tầng cảng biển, giao thông liên tỉnh, lãnh đạo tỉnh Bình Dương đề nghị bố trí vốn cho đường vành đai 3, vành đai 4, cao tốc Hồ Chí Minh – Thủ Dầu Một cũng như ủng hộ chủ trương kéo dài 1,8km tuyến metro số 1 Tp.HCM bằng vốn vay ODA Nhật Bản. Trong khi đó, tỉnh Đồng Nai kiến nghị phải triển khai cao tốc Dầu Giây – Phan Thiết – Liên Khương để đón đầu Sân bay Long Thành. Còn Long An, Tây Ninh, Bình Phước kiến nghị sớm bố trí vốn cho dự án giao thông kết nối như đường Hồ Chí Minh, đoạn qua Chơn Thành – Đức Hòa, Tp.HCM – Long An – Tiền Giang, đường sắt từ Dĩ An đi Hoa Lư…
Mặc dù các tỉnh, thành vùng KTTĐ phía Nam chưa đạt được mục tiêu tăng trưởng kinh tế và thu ngân sách song lãnh đạo các địa phương đã cam kết với Thủ tướng sẽ không điều chỉnh các chỉ tiêu phát triển kinh tế – xã hội của năm nay mà phấn đấu đạt được mục tiêu tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn và thu ngân sách.
Ghi nhận kiến nghị của các tỉnh, thành Vùng KTTĐPN, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định sẽ giải quyết cụ thể từng kiến nghị. Theo đó, với từng kiến nghị của các địa phương, Thủ tướng giao các cơ quan nghiên cứu đề án về cơ chế đặc thù cho vùng KTTĐ, trong đó có Vùng KTTĐPN; Bộ Kế hoạch và Đầu tư nghiên cứu một gói hỗ trợ đầu tư từ ngân sách Trung ương để hỗ trợ các địa phương đầu tư sớm một số công trình hạ tầng giao thông kết nối quan trọng, cấp bách; Bộ Tài nguyên và Môi trường nghiên cứu điều chỉnh ngay quy hoạch sử dụng đất để dành đất cho các khu công nghiệp, khu đô thị phù hợp; Bộ Kế hoạch và Đầu tư điều chỉnh, bổ sung quy hoạch khu công nghiệp, đáp ứng yêu cầu phát triển của các địa phương, của vùng, quốc gia nhằm đón nhận làn sóng đầu tư mới.
Ngay trước buổi làm việc, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng đã đi thị sát khu vực cảng Cái Mép – Thị Vải, Thị xã Phú Mỹ, Bà Rịa – Vũng Tàu, dự án cầu Phước An và thăm dự án sản xuất hóa chất của Công ty Hyosung (Hàn Quốc) với tổng vốn đầu tư 1,3 tỷ USD. Theo Thủ tướng, việc thị sát hệ thống hạ tầng phục vụ phát triển kinh tế của khu vực, gồm hệ thống cảng, logistic, hệ thống giao thông khu vực Đồng Nai, Bà Rịa – Vũng Tàu nhằm khẳng định đầu ra của khu vực về vận tải, logistics như thế nào để từ đó tìm giải pháp tiết giảm chi phí sản xuất, nâng cao sức cạnh tranh của hàng hóa. |
Quang Hùng