Doanh nghiệp kiến nghị bãi bỏ quy định về đăng ký sử dụng mã số mã vạch nước ngoài, tạo thuận lợi cho xuất khẩu

Trước hàng loạt khó khăn và kiến nghị của cộng đồng doanh nghiệp liên quan đến đăng ký sử dụng mã số mã vạch (MSMV) nước ngoài đối với hàng xuất khẩu, Bộ Công Thương cho biết sẽ xem xét lại quy định này nhằm tạo thuận lợi cho doanh nghiệp xuất khẩu.

Cụ thể, Nghị định số 74/2018/NĐ-CP của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 132/2008/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa năm 2007, trong đó có nội dung: doanh nghiệp sử dụng mã nước ngoài theo chuẩn của tổ chức mã số, mã vạch quốc tế GS1: Phải được cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài cấp hoặc được chủ sở hữu của mã nước ngoài ủy quyền sử dụng; Trường hợp được chủ sở hữu mã nước ngoài ủy quyền sử dụng, tổ chức phải thông báo với cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền để được xác nhận việc sử dụng mã nước ngoài. Theo phản ánh của các doanh nghiệp, quy định này không chỉ ảnh hưởng đến hoạt động giao dịch hàng hóa mà còn gây tiêu tốn nhiều thời gian, chi phí của doanh nghiệp.

Trước các khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp, Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) đã tổ chức cuộc họp với đại diện các hiệp hội ngành hàng nhằm tìm giải pháp tháo gỡ.  Tại cuộc họp, ông Nguyễn Hoài Nam – Phó Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) cho biết hiện các tỉnh, thành trong cả nước không được giao quyền cấp giấy chứng nhận sử dụng mã nước ngoài, chỉ có một nơi cấp là Trung tâm MSMV Quốc gia (GS1) thuộc Tổng cục Tiêu chuẩn đo lường chất lượng đóng tại Hà Nội. Để đăng ký với GS1 doanh nghiệp  tốn khá nhiều thời gian, các thủ tục đều phải làm trên hồ sơ giấy chứ chưa có thủ tục đăng ký qua mạng (online), chưa kể thủ tục xử lý tại GS1 sau khi có đủ hồ sơ & nộp phí thì nhanh nhất cũng phải 2-3 ngày mới có kết quả. Do đó, để có được đầy đủ các giấy tờ nêu trên và hoàn tất được thủ tục đăng ký MSMV nước ngoài với Trung tâm GS1 thì nhiều khi doanh nghiệp phải mất 20-30 ngày mới xuất được lô hàng do thông thường không chỉ có 1 mã hàng hoá. Đặc biệt, các nước nhập khẩu không có quy định tương tự nên doanh nghiệp Việt gặp khó trong việc xin hồ sơ chứng minh MSMV của khách hàng được cơ quan thẩm quyền của nước họ chứng nhận theo yêu cầu của Việt Nam.

Theo ông Nam, việc yêu cầu cung cấp quá nhiều giấy tờ đang tạo ra khó khăn trong xuất khẩu hàng hóa của các doanh nghiệp; trong khi đó doanh nghiệp thường xuyên có thêm khách hàng mới hoặc mặt hàng mới nên mã số, mã vạch của các sản phẩm cũng phải đổi mới và cập nhật thường xuyên, gây mất rất nhiều thời gian cũng như chi phí. Vấn đề cốt lõi là quy định này đưa ra không có căn cứ pháp lý trong Luật Chất lượng sản phẩm hàng hóa năm 2007, thông lệ quốc tế không có quy định này, việc cấp giấy xác nhận sử dụng MSMV nước ngoài không có ý nghĩa thực tế đối với công tác quản lý nhà nước.

Trước những bất cập đó, VASEP kiến nghị Chính phủ sớm xem xét bãi bỏ quy định liên quan đến đăng ký sử dụng MSMV nước ngoài đối với hàng xuất khẩu, cụ thể là Khoản 9 Điều 1 Nghị định 74/2018/NĐ-CP về “bổ sung Mục 7 “Mã số mã vạch và quản lý MSMV”.

Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS), Hiệp hội Da – Giày – Túi xách Việt Nam (LEFASO), Hiệp hội Tinh dầu, Hương liệu, Mỹ phẩm Việt Nam (VOCA) cũng có cùng quan điểm với VASEP và cho rằng cần bỏ quy định liên quan đến đăng ký sử dụng MSMV nước ngoài để tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp xuất khẩu. Đại diện VOCA cho rằng những quy định này là không cần thiết, tốn kém nhiều thời gian và chi phí của doanh nghiệp, dẫn đến những hệ quả không nhỏ.

Còn theo ông Trương Văn Cẩm – Phó Chủ tịch VITAS, Luật chất lượng sản phẩm hàng hóa năm 2007 không có yêu cầu cụ thể về MSMV đối với hàng xuất khẩu, nhưng Nghị định 74 được ban hành căn cứ vào Luật chất lượng sản phẩm hàng hóa lại có quy định như vậy là bất hợp lý, gây khó khăn cho doanh nghiệp. Nhất là khi MSMV này không nói lên chất lượng hàng hóa, không quản lý truy xuất nguồn gốc, không có ý nghĩa bảo vệ người tiêu dùng. Thực tế, 13 số trên quy ước MSMV GS1 bao gồm các thông tin về định danh quốc gia mà chủ hàng có trụ sở, mã của doanh nghiệp chủ hàng, mã định danh của sản phẩm do chủ hàng đặt vào để quản lý. MSMV này để các hệ thống phân phối, siêu thị quản lý hàng hóa lưu thông của họ.

Tiếp nhận ý kiến đóng góp của các Hiệp hội ngành hàng, đại diện Cục Xuất nhập khẩu cũng thống nhất quan điểm rằng cần xem xét lại quy định về việc đăng ký sử dụng MSMV đối với hàng xuất khẩu. Là đơn vị chịu trách nhiệm chung về hoạt động xuất nhập khẩu, Cục Xuất nhập khẩu sẽ tích cực phối hợp với các Bộ, ngành liên quan tìm hướng xử lý bất cập, tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện tốt nhất cho hoạt động xuất khẩu của doanh nghiệp.

Gia Bảo