Không nên ép hộ kinh doanh ‘lên đời’ doanh nghiệp

Sáng 21/5, tại phiên thảo luận trực tuyến của Quốc hội về Luật Doanh nghiệp sửa đổi, đa số đại biểu Quốc hội không đồng tình và cho rằng cần ban hành một luật riêng điều chỉnh đối tượng này. Nhiều đại biểu Quốc hội không đồng tình đưa 5 triệu hộ thành doanh nghiệp, luật hoá đối tượng này vào Luật Doanh nghiệp sửa đổi.

Đại biểu Cao Đình Thưởng (Phú Thọ) cho rằng đưa hộ kinh doanh vào Luật Doanh nghiệp là “đốt cháy giai đoạn” khi bản chất họ không phải doanh nghiệp mà là mô hình kinh doanh đặc thù. Làm như vậy sẽ gây hiểu lầm, thêm thủ tục, khó khăn hơn cho họ trong hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Ông Mai Sỹ Diến – Phó trưởng đoàn đại biểu tỉnh Thanh Hoá nói, thay vì luật hoá hộ kinh doanh vào Luật Doanh nghiệp, nên ban hành luật riêng về đối tượng này. “Hiện có đến 5 triệu hộ kinh doanh, trong đó chỉ có 1,7 triệu hộ đang nộp thuế. Đây là số lượng rất lớn cần thiết phải có luật riêng để điều chỉnh. Còn hiện tại, quy định về hộ kinh doanh như dự thảo Luật thiếu nhiều nội dung cần thiết về bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của họ”, ông Diến phân tích. 

Cũng cho rằng cần có luật riêng, đại biểu Nguyễn Văn Cảnh (Bình Định) dẫn loạt bất cập nếu đưa đối tượng này vào ngay Luật Doanh nghiệp, như phải có thời gian đánh giá tác động, thay đổi tên dự thảo luật so với hiện tại.

“Việc quy định hộ kinh doanh trong dự thảo luật dẫn đến phải mở rộng thêm phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng cho một chủ thể mới và chỉ có thể giải quyết được yêu cầu quản lý, mà chưa đưa ra được những quyền, lợi ích của họ”, ông Cảnh nêu.

Trong khi đó, ông Vũ Tiến Lộc (Thái Bình) hiện là Chủ tịch Phòng Thương mại & Công nghiệp Việt Nam kiên trì bảo vệ quan điểm đưa hộ kinh doanh vào đối tượng chịu tác động của Luật Doanh nghiệp. “Duy trì vai trò chủ thể hộ kinh doanh nguyên trạng như vậy sẽ không còn hợp lý, nên coi họ là một loại hình doanh nghiệp một chủ trong nền kinh tế”, ông nói.

Coi hộ kinh doanh là doanh nghiệp một chủ, Chủ tịch VCCI cho rằng, không đồng nghĩa “chủ hộ kinh doanh sau một đêm thành giám đốc”. Họ vẫn được áp dụng các quy định đặc thù như hiện nay về quản lý nhà nước, quản trị, kê khai, nộp thuế để không phát sinh thêm các chi phí và thủ tục hành chính phiền hà, được tạo điều kiện thúc đẩy hoạt động kinh doanh.

Ông nói thêm, việc này không phải để trói buộc các hộ kinh doanh mà chỉ tạo điều kiện thuận lợi cho họ trong phát triển. “Việc này cũng không phải để đưa ra thống kê về con số doanh nghiệp cho đẹp trong các báo cáo mà xuất phát từ thực tiễn của nền kinh tế”, ông giải thích. 

Giải trình thêm sau đó, Bộ trưởng Kế hoạch & Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, việc Chính phủ trình đưa hộ kinh doanh vào Luật doanh nghiệp nhằm định danh, giúp họ có điều kiện hưởng các quyền lợi, quy định hỗ trợ của Chính phủ. Ông cũng nêu thực tế có rất nhiều hộ kinh doanh quy mô lớn, hàng trăm lao động, doanh thu hàng nghìn tỷ nhưng vẫn hoạt động theo quy định của hộ kinh doanh.

Hơn nữa, việc xây dựng luật riêng về hộ kinh doanh sẽ mất nhiều thời gian, mà theo ông Dũng, khoảng 3 năm. “Cái gì có lợi thì làm ngay, việc này chỉ có lợi cho hộ kinh doanh, khi nào làm luật riêng thì chuyển quy định ở Luật này sang Luật mới là xong”, Bộ trưởng đề nghị. 

Điểm mới nữa tại dự thảo Luật Doanh nghiệp là khái niệm doanh nghiệp Nhà nước khi Nhà nước nắm trên 50% vốn cũng nhận được nhiều ý kiến trái chiều.

Ông Phạm Văn Hoà – Phó trưởng đoàn đại biểu tỉnh Đồng Tháp không đồng tình với khái niệm doanh nghiệp Nhà nước tại dự thảo luật bởi sẽ tác động đến cách quản lý, tạo sự khác biệt của các doanh nghiệp. Ông góp ý, tỷ lệ sở hữu của Nhà nước nên cao hơn nữa thì mới đảm bảo chênh lệch đáng kể, quyền chi phối các vấn đề quan trọng của Nhà nước tại doanh nghiệp. 

Ông Đỗ Ngọc Thịnh (Khánh Hòa) cũng cho rằng, việc thay đổi khái niệm doanh nghiệp Nhà nước từ tỷ lệ nắm giữ vốn của Nhà nước 100% xuống trên 50% sẽ kéo theo nhiều hệ luỵ, ảnh hưởng tới quá trình cổ phần hoá do phải điều chỉnh quy định kiểm toán, tài sản công, quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp…

Thêm nữa, tỷ lệ 50% cũng không rõ là nắm giữ trực tiếp hay gián tiếp, nên sẽ phát sinh nhiều doanh nghiệp đã cổ phần hoá quay trở lại là doanh nghiệp Nhà nước. Khi đó, nhà đầu tư nước ngoài sẽ “rất e ngại việc mua lại doanh nghiệp”.

“Chừng nào vẫn còn phân biệt đối xử giữa doanh nghiệp Nhà nước và doanh nghiệp khác thì Việt Nam vẫn có thể bị coi là nền kinh tế phi thị trường, ảnh hưởng đến hệ số tín nhiệm của Việt Nam trên trường quốc tế. Vẫn nên giữ nguyên khái niệm doanh nghiệp Nhà nước hiện nay là 100% vốn Nhà nước”, ông Thịnh lưu ý.  

Bộ trưởng Kế hoạch & Đầu tư Nguyễn Chí Dũng trong phần giải trình trước Quốc hội nói mục đích thay đổi khái niệm nhằm thể chế hoá Nghị quyết Trung ương 5. Tỷ lệ Nhà nước sở hữu trên 50% vốn là doanh nghiệp Nhà nước được ban soạn thảo đưa ra sau khi cân nhắc nhiều phương án. 

Ông Dũng cho hay, quá trình xây dựng các văn bản hướng dẫn Chính phủ sẽ phân loại chi tiết hoạt động các loại hình doanh nghiệp dựa trên tỷ lệ vốn sở hữu Nhà nước là 100% hay trên 50%. Việc này sẽ đảm bảo hoạt động bình thường, không làm xáo trộn, ảnh hưởng đến các cổ đông nắm cổ phần không chi phối và đảm bảo tiến trình cổ phần hóa.

Khánh Hòa