Kinh tế Mỹ trải qua quý ảm đạm nhất từ đại khủng hoảng 2008

Theo SCMP, nền kinh tế Mỹ chứng kiến sự sụt giảm 4,8% bình quân năm trong 3 tháng đầu năm nay, sau khi đại dịch Covid-19 khiến phần lớn đất nước bị phong tỏa, châm ngòi cho một cuộc khủng hoảng kinh tế trong thời gian tới. Con số này có nghĩa là quy mô nền kinh tế Mỹ sẽ mất 4,8% giá trị nếu tốc độ sụt giảm kinh tế của quý I được giữ nguyên trong phần còn lại của năm 2020.

Tốc độ tăng trưởng kinh tế Mỹ ghi nhận trong quý I ở mức tồi tệ nhất từ sau khủng hoảng tài chính 2008, các chuyên gia coi đây là chỉ dấu cho những tháng kinh tế ảm đạm tiếp theo.

Bộ Thương mại Mỹ cho biết tổng sản phẩm quốc nội GDP trong quý I năm nay lần đầu tiên sụt giảm quý sau 6 năm. Đây là tình trạng sụt giảm trầm trọng nhất kể từ khủng hoảng tài chính toàn cầu khi GDP Mỹ lao dốc ở mức 8,4% bình quân năm vào quý IV năm 2008.

Các nhà phân tích dự báo sự suy giảm trong quý I mới chỉ là dấu hiệu cho báo cáo kinh tế trong quý II nhiều khả năng sẽ còn ảm đạm hơn. Văn phòng Ngân sách Quốc hội Mỹ ước tính GDP Mỹ trong quý II sẽ suy giảm ở mức 40% bình quân năm.

Nếu dự đoán trên thành sự thật, đây sẽ là quý nền kinh tế Mỹ có diễn biến tồi tệ nhất kể từ khi các thống kê được thiết lập năm 1947.

Mặc dù vậy, Tổng thống Mỹ Donald Trump tiếp tục có cái nhìn lạc quan. Tuần qua, Tổng thống Trump tuyên bố trông chờ vào “sự tăng trưởng mạnh” của GDP trong quý III, và sau đó là “quý IV phi thường”.

“Chúng ta sẽ có quý IV tăng trưởng phi thường, và sau đó sẽ là năm tiếp theo phi thường”, Tổng thống Trump nói.

Theo thống kê của Đại học Johns Hopkins, số người nhiễm virus corona tại Mỹ tới ngày 29/4 đã vượt 1 triệu trường hợp, trong đó gần 60.000 người đã tử vong.

Theo AP, gần 26 triệu người đã nộp đơn xin nhận trợ cấp thất nghiệp trong vòng 5 tuần qua ở Mỹ, kể từ thời điểm virus corona xuất hiện và lây lan cho tới nay. Đại dịch đã khiến hàng triệu chủ lao động phải ngừng kinh doanh và cứ 6 lao động Mỹ thì đã có một người mất việc, con số kỷ lục trong lịch sử.

Duy Anh