Năm 2020, tăng trưởng xuất khẩu của ngành gỗ có thể bằng 0%, thậm chí tăng trưởng âm

Đây là thông tin được Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam (VIFOREST) đưa ra tại Hội thảo trực tuyến “Phục hồi – Tăng tốc – Bứt phá – Phát triển – Bền vững ngành gỗ giai đoạn hậu đại dịch” do Tổ chức Forest Trends, Hội Mỹ nghệ và chế biến gỗ Tp.HCM (HAWA), VIFOREST và các Hiệp hội chế biến gỗ Bình Dương, Đồng Nai, Bình Định… phối hợp tổ chức

Tại Hội thảo, đại diện các doanh nghiệp trong ngành nhận định Covid-19 đã gây ảnh hưởng nặng nề đến ngành gỗ với khoảng 80% các đơn hàng xuất đi Mỹ và EU bị tạm dừng hoặc hủy trong tháng 4/2020; khoảng 60-80% khách hàng tại Nhật Bản và Hàn Quốc yêu cầu giao hàng chậm hoặc hủy đơn hàng; các thị trường lớn kim ngạch xuất khẩu gần như đóng băng… Do không có đơn hàng nên 90% doanh nghiệp phải tạm dừng hoặc luân chuyển một bộ phận lao động, đang kéo theo nguy cơ đứt gãy toàn chuỗi.

Trước đó, ngành gỗ Việt Nam đặt mục tiêu kim ngạch xuất khẩu đạt 12 tỷ USD trong năm 2020. Tuy nhiên số liệu của Tổng cục Thống kê cho thấy trong quý I/2020, trị giá xuất khẩu toàn ngành chỉ đạt 2,58 tỷ USD, đạt 21,5% kế hoạch năm. Với đà này, VIFOREST dự báo tăng trưởng xuất khẩu của ngành gỗ trong năm 2020 có thể bằng 0%, thậm chí là tăng trưởng âm.

Kết quả khảo sát 124 doanh nghiệp trong ngành vào cuối tháng 3/2020 vừa qua cho thấy 100% doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Trong đó, 75% số doanh nghiệp cho biết thiệt hại ban đầu ước tính khoảng 3.066 tỷ đồng. Hơn một nửa số doanh nghiệp tham gia khảo sát cho biết, đã phải thu hẹp quy mô sản xuất. Khoảng 35% doanh nghiệp dù đang hoạt động bình thường nhưng sẽ phải tạm ngừng sản xuất trong thời gian tới; 7% số doanh nghiệp đã ngừng hoạt động và chỉ có 7% doanh nghiệp vẫn hoạt động bình thường.

Hiện hầu hết các thị nhập khẩu đồ gỗ chủ lực của Việt Nam như Mỹ (chiếm 50% tổng giá trị xuất khẩu), EU (chiếm 10%), Nhật (chiếm 13%), Trung Quốc (chiếm 12%) đều chịu tác động của dịch bệnh. Đặc biệt tại thị trường Trung Quốc, dù dịch đã có dấu hiệu hạ nhiệt song để thị trường khổng lồ này khôi phục lại sức mua và các chuỗi cung như trước khi dịch xảy ra sẽ mất rất nhiều thời gian và cũng chưa biết đến bao giờ sức mua mới trở lại được như trước.

Theo Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Bình Dương Điền Quang Hiệp, hiện tại các thị trường nhập khẩu đồ gỗ chủ lực của Việt Nam hầu như đã đóng băng… ; Mỹ và EU thì đóng băng hoàn toàn; Nhật và Hàn Quốc thì còn thưa thớt. Thị trường Trung Quốc đã bắt đầu mở lại nhưng chắc chắn còn lâu mới khôi phục trạng thái như trước… Thị trường toàn cầu gần như mất hết. Trước khi dịch xảy ra, Mỹ, EU, Trung Quốc, Nhật và Hàn Quốc là 5 thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch xuất khẩu hàng năm từ các thị trường này chiếm khoảng 90% trong tổng kim ngạch xuất khẩu của cả ngành.

Trước tình hình hết sức bất lợi như trên, các chuyên gia có mặt tại Hội thảo cho rằng Chính phủ cần sớm ban hành các cơ chế, chính sách mới để tiếp sức cho doanh nghiệp ngành gỗ vượt qua khó khăn. Bên cạnh sự trợ lực của Chính phủ, ngành gỗ Việt Nam cần phải thay đổi tư duy, hình thành và đẩy mạnh các liên kết giữa các doanh nghiệp trong ngành, xây dựng chuỗi cung trong nước và phát triển các ngành công nghiệp phụ trợ… Bản thân các doanh nghiệp trong ngành cũng phải nhanh chóng cải tiến, thay đổi để thích ứng với tình hình mới. Bên cạnh đó cũng cần quan tâm đa dạng hóa thị trường nguyên liệu, chủ động trong sản xuất bởi sau thời gian ứng phó với Covid-19, các doanh nghiệp trong ngành cũng phần nào nhận ra chúng ta phụ thuộc rất lớn vào nguồn nguyên phụ liệu nhập khẩu, đặc biệt từ Trung Quốc. Và cơ hội để toàn ngành giảm sự phụ thuộc này chính là tận dụng tốt các hiệp định thương mại tự do Việt Nam đã ký kết (CPTPP, EVFTA, VKFTA, AEC…) để chuyển dịch sản xuất, đơn hàng, đầu tư, tái cấu trúc chuỗi cung ứng từ các thị trường EU, Mỹ, Nhật Bản…Sự chuyển dịch này kỳ vọng sẽ tạo những bứt phá ngoạn mục trong phát triển ngành gỗ thời gian tới.

Xuân Vinh